Cập nhật: 17/11/2011 16:15:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiều 16-11, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ đóng góp ý kiến vào hai bộ luật đang được sửa đổi là Luật Lao động và Luật Công đoàn. Đối với Luật Lao động, nhiều ý kiến cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động; khuyến nghị, nên tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng.

Nghỉ hưu ở độ tuổi nào là thích hợp

 

Nhiều ĐB băn khoăn rằng, quy định với nữ 55 tuổi phải về hưu như hiện nay là không công bằng. Với một phụ nữ có 2 đứa con thì phải mất 14 năm thực hiện thiên chức làm mẹ. Nếu khống chế 55 tuổi phải về hưu thì cống hiến được bao nhiêu? Vì vậy, đề nghị Nhà nước nên tạo nhiều điều kiện để người lao động lựa chọn. Chẳng hạn đối với những phụ nữ có trình độ, có năng lực, họ phải được cống hiến nhiều hơn nữa, chứ không thể nghỉ hưu ở tuổi 55.

 

ĐB Phạm Minh Châu (Sơn La) cho rằng, không nên nặng nề quy định độ tuổi lao động. Có thể tăng tuổi lao động lên nếu người lao động có nhu cầu, đó là quyền của mỗi cá nhân. ĐB Khúc Thị Duyền (Thái Bình) cũng đề xuất, trong luật quy định phụ nữ nghỉ sớm 5 năm là thiệt thòi, nhất là các cán bộ chủ chốt ở cấp cơ sở, có một số trường hợp người lao động muốn được cống hiến. Đặc biệt đối với đội ngũ giáo sư, bác sỹ thời gian đào tạo nghề rất dài. Vì vậy, nếu quy định 55 tuổi với nữ là lãng phí nguồn chất xám.

 

Hoàn toàn trái ngược ý kiến của ĐB Châu và đại biểu Duyền, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, không nên tăng độ tuổi lao động, vì mặt bằng kinh tế chúng ta còn rất thấp. Nếu tăng độ tuổi lao động lên sẽ gây sức ép cho người lao động, đặc biệt người lao động nữ. Trong trường hợp cần thiết phải tăng độ tuổi lao động, đề nghị phân loại đối tượng, chỉ xem xét vài đối tượng đặc thù chứ chưa thể áp dụng đại trà. Liên quan đến tăng độ tuổi lao động để tránh vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, ĐB này cho rằng, có thể cân nhắc tăng khoản đóng góp, chứ không thể dựa vào tăng thời gian lao động. ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cũng cho rằng, mong muốn tăng tuổi về hưu là mong muốn của rất ít người. Trong khi đó đa số người lao động đều không muốn tuổi hưu "bị” kéo dài ra. Thậm chí với những công nhân, những người lao động nặng nhọc, họ muốn thời gian làm việc phải rút ngắn đi. ĐB Tâm cho rằng, nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện tại là hợp lý.

 

Tăng thời gian nghỉ thai sản vì sao phải băn khoăn?

 

Về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, dự luật quy định là thời gian nghỉ thai sản 5 tháng (có thể điều chỉnh so với ngành nghề độc hại). Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định nghỉ thai sản là 6 tháng vì: Thứ nhất, các tổ chức của thế giới cũng quy định cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng. Thứ 2, người phụ nữ mất rất nhiều công sức cho việc sinh con nên cần bù đắp để tái tạo sức lao động. Tuy nhiên, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại, quỹ bảo hiểm xã hội dành cho thai sản có thể khó đáp ứng chi trả 6 tháng. Về vấn đề này hầu hết ĐB đều khẳng định, trẻ em là tương lai của đất nước, sao chúng ta còn băn khoăn?

 

Lý giải về vấn đề này, ĐB Khúc Thị Duyền cho rằng, nên tăng thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng. Có vậy mới đảm bảo sức khỏe cho chị em, yên tâm hơn khi làm việc. Trẻ con cũng tăng thêm sức đề kháng, bớt bệnh tật. Nhà nước cũng cần có chính sách an sinh để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này. Một số ĐB còn kiến nghị nên bổ sung thêm quy định nam giới nuôi con nhỏ nên miễn đi công tác xa (trừ việc họ thu xếp thời gian được). Người cha (mẹ) cũng được nghỉ chăm sóc con, nếu con dưới 7 tuổi ốm. Với đứa con sinh thiếu tháng, người mẹ có thể được nghỉ tương ứng với số ngày đứa trẻ đó bị thiếu. Tại buổi thảo luận, nhiều ĐB quan tâm đến lương tối thiểu, vấn đề làm thêm giờ, vấn đề quyền lợi của người lao động... Tuy nhiên, hầu hết các ĐB đều mong rằng, Luật Lao động (sửa đổi) sẽ là khung pháp lý quan trọng nhất, bảo vệ người lao động.

 

 

 

Nhóm PV Báo điện tử Đại đoàn kết

 

Tệp đính kèm