Cập nhật: 15/12/2011 14:53:17 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) đã trải qua hành trình 10 năm. Thời gian tuy chưa dài nhưng Chiến lược đã có những tác động tích cực tới việc nâng cao vị thế của phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam. Định kiến về vai trò giới đã có sự thay đổi, số lượng phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày một nhiều, tỷ lệ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục đã dần hướng tới sự bình đẳng với nam giới…

Trong 10 năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt Chiến lược VSTBCPN; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt, trong đó nổi bật là việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động - việc làm và chăm sóc sức khỏe. Theo thống kê đến năm 2010, tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nữ ở khu vực nông thôn đã tăng lên 82%, tỷ lệ thất nghiệp của lao động nữ ở khu vực thành thị đã giảm xuống dưới 5%; tỷ lệ lao động tham gia xuất khẩu lao động hàng năm chiếm 33 - 34%; tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội đạt 83,73%. Bên cạnh đó, việc thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng đạt nhiều kết quả khả quan. Năm 2010, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản đã giảm xuống còn 69/100.000 người, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam đã tăng từ 70 tuổi vào năm 1999 lên 76 tuổi vào năm 2010. Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám đủ 3 lần trở lên đạt 87,7%; tỷ lệ nữ hộ sinh trung học đạt cao và vượt mức chỉ tiêu đề ra đến năm 2010 là 80%... Để có được kết quả này, nhiều Bộ, ngành địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân về Nghị quyết và ban hành chương trình hành động sát với thực tiễn của đơn vị, địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới; nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu quả thực hiện các quyền bình đẳng giới của các cơ quan nhà nước có liên quan; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nội dung bình đẳng giới vào nội dung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của cả nước và của từng Bộ, ngành và địa phương…

 

Tuy nhiên, bên cạnh những mục tiêu đã đạt và vượt kế hoạch, chiến lược vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, dẫn đến một số chỉ tiêu không đạt. Cụ thể, các vấn đề tạo việc làm cho nữ ; phấn đấu xóa mù chữ ở độ tuổi dưới 40 ; phấn đấu tăng tỷ lệ nữ lên trên 35% tổng số người được đào tạo trên đại học ; phấn đấu đạt tỷ lệ 15% trở lên nữ tham gia các cấp ủy Đảng thuộc nhiệm kỳ Đại hội X nhưng nhìn chung chỉ đạt được từ 10 - 14,7%; phấn đấu đạt tỷ lệ 50% nữ tham gia lãnh đạo ở các cơ quan nhà nước vào năm 2010 nhưng chỉ đạt khoảng 33% … Tỷ lệ nữ ĐBQH đã có sự gia tăng đáng kể trong các nhiệm kỳ gần đây, tuy nhiên vẫn chưa đạt chỉ tiêu Chiến lược đề ra và có xu hướng giảm. Cụ thể, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2004 - 2009 ở cả ba cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước, cụ thể cấp tỉnh đạt 23,88%, cấp huyện đạt 22,94 % và cấp xã đạt 20,1%... Nguyên nhân không đạt được những chỉ tiêu này chủ yếu do chính sách chưa đồng bộ, thực hiện chưa nghiêm túc; phụ nữ phái gánh quá nhiều cơ cấu trong bầu cử, dẫn đến việc khó tìm nhân sự; có sự khác biệt dẫn đến sự phân biệt độ tuổi trong quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt giữa nam giới và phụ nữ.

 

Trên cơ sở kết quả 10 năm triển khai kế hoạch hành động VSTBPN giai đoạn 2001 - 2010, để thực hiện tốt nhiệm vụ bình đẳng giới VSTBCPN giai đoạn tiếp theo thì các cấp ủy đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa tới công tác bình đẳng giới, VSTBCPN; tiếp tục quán triệt sâu rộng quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác bình đẳng giới, VSTBCPN tới mọi tầng lớp nhân dân; thường xuyên kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban VSTBCPN các cấp, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng thành viên trong ban; đẩy mạnh công tác lồng ghép giới vào thực hiện nhiệm vụ chính trị, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; từng bước xóa bỏ định kiến giới, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia các hoạt động xã hội đặc biệt là nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ nghèo, phụ nữ tàn tật…

 

Theo Diệp Anh/ Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm