Cập nhật: 24/02/2012 09:31:10 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cúm gia cầm, chiều 23/2, Bộ NN&PTNT tổ chức họp trực tuyến với sự tham gia của 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Theo báo cáo của Cục Thú y, tính đến ngày 23/2, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 36 xã, phường của 29 huyện, quận thuộc 12 tỉnh, thành phố là: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Nguyên, Hà Nam, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Trị, Thanh Hóa, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hà Tĩnh và Quảng Nam. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy khoảng 51.983 con.

 

Hiện cả nước còn 10 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.

 

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần đề nghị lãnh đạo các tỉnh, bộ ngành Trung ương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ.

 

Trước mắt, 7 đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương theo phân công đến ngày 25/2 kết thúc nhiệm vụ nhưng được yêu cầu tiếp tục hoạt động đến ngày 15/3.

 

Việc phối hợp liên ngành Nông nghiệp -Y tế- Giao thông - Tài chính cũng cần được thông suốt để hỗ trợ người chăn nuôi giảm tổn thất, đồng thời tránh việc di chuyển dịch bệnh lây lan.

 

Các tỉnh, thành nghiêm chỉnh thực hiện việc tiêu độc khử trùng, đồng thời thành lập các đoàn xuống kiểm tra tận xã, huyện, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của người dân.

 

Trước đó, ngày 22/2, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung mọi lực lượng, phương tiện và thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm nhanh chóng dập tắt dịch, không để dịch lây lan rộng.

 

Tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm, khi có dịch xảy ra phải lấy mẫu gửi xét nghiệm và tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực có dịch, đồng thời lập chốt kiểm dịch ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài ổ dịch.

 

Các địa phương cần kiện toàn và khôi phục hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; giao trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân về công tác phòng chống dịch. Thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo thực hiện việc phòng, chống dịch đến cấp thôn, ấp tại các địa bàn có nguy cơ cao.

 

 

Theo Ngọc Lan/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm