Cập nhật: 02/03/2012 13:59:43 Article Rating
Xem cỡ chữ

Công việc không phải là yếu tố duy nhất, nhưng có vai trò quan trọng trong việc tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện

Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện vẫn là rào cản trong việc tiếp cận và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất (CSSX) không muốn nhận người sau cai nghiện vào làm việc. Theo báo cáo của Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội, Bộ Lao động TBXH, số doanh nghiệp, CSSX tiếp nhận người sau cai chỉ chiếm 0,07% tổng số đơn vị trong cả nước. Số những người được tiếp nhận làm việc chỉ chiếm 6% tổng số người đã cai nghiện ma tuý.

 

Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống TNXH, công việc không phải là yếu tố duy nhất, nhưng có vai trò quan trọng trong việc tái hoà nhập cộng đồng cho người sau cai. Tính đến cuối tháng 12/2011 toàn quốc có gần 160.000 người nghiện ma tuý có hồ sơ quản lý. Công tác cai nghiện với nhiều hình thức: cai tập trung, cai tại cộng đồng, tại gia đình, đã tổ chức cai cho khoảng 60.000 người/năm. Nhưng hiện nay tỷ lệ tái nghiện sau cai ở các trung tâm và cộng đồng còn cao, có nơi lên đến trên 80%. Những nguyên nhân cơ bản phải kể đến là: không có việc làm và thu nhập ổn định, bị kỳ thị, xa lánh trong cộng đồng.

 

Theo ông Lê Đức Hiền, công tác dạy nghề cho người sau cai cũng cần phải được cải thiện hơn, vì hiện nay những nghề dành cho người sau cai mới dừng lại ở nghề sơ cấp, cơ hội việc làm ít, thu nhập thấp, nên không hiệu quả.

 

Cục Phòng chống TNXH đang nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam; Tổng kết và nhân rộng mô hình hiệu quả về cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, cai bắt buộc, cai tự nguyện, mô hình quản lý sau cai… Đặc biệt, Cục đề nghị Bộ Công an có thống kê, dự báo tình hình nghiện ma tuý và tình trạng nghiện ma tuý tổng hợp để xây dựng chương trình, kế hoạch cai nghiện cho phù hợp./.

 

Theo PV/VOV News

Tệp đính kèm