Cập nhật: 16/03/2012 14:07:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức Hội thảo “Tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân (BHYT): Hiện trạng Việt Nam và kinh nghiệm Hàn Quốc”.

 

Việt Nam và Hàn Quốc đang phối hợp triển khai xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT”. Đề án được thực hiện trong 2 năm từ 2011-2013 tập trung xây dựng cơ chế chính sách tài chính y tế và BHYT; vai trò và nhiệm vụ của các bên liên quan trong xây dựng chính sách, thực hiện và quản lý nhà nước về BHYT, về những giải pháp cơ bản nhằm củng cố và hoàn thiện hệ thống BHYT…

 

Hội thảo được tổ chức theo kế hoạch hoạt động của Đề án nhằm chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong quá trình mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT để đạt được BHYT toàn dân cũng như bài học kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện chính sách BHYT của Hàn Quốc trong những năm qua.

 

BHYT toàn dân là một tầm nhìn chung trên toàn cầu và được coi như một đóng góp đáng kể cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, tạo điều kiện cho mọi người không phân biệt giàu hay nghèo, thoát khỏi những rủi ro về tài chính khi bản thân họ hoặc gia đình có người đau, ốm.

 

Hàn Quốc là một trong 4 nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã thành công trong việc bao phủ BHYT toàn dân với độ bao phủ đạt tới 96% dân số. Nếu tính cả nhóm dân số được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn chi phí khám chữa bệnh thì có gần 100% dân số Hàn Quốc đã được BHYT bao phủ.

 

Hàn Quốc thực hiện BHYT lần đầu tiên vào năm 1977, đến năm 1989 Hàn Quốc đạt được mục tiêu bao phủ toàn dân sau 12 năm thực hiện BHYT bắt buộc. Cũng tương đồng như Việt Nam, BHYT ở Hàn Quốc nhằm đẩy mạnh an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân thông qua việc chi trả bảo hiểm cho các trường hợp bệnh, phòng chống thương tích, chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng, thai sản, tử vong, cải thiện sức khỏe…

 

Tại Hội thảo, TS.Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, chính sách BHYT của Việt Nam trải qua 20 năm xây dựng và phát triển hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. Chính sách này đã góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, bảo đảm công bằng và an sinh xã hội khi hàng triệu người bệnh có thu nhập thấp, người nghèo, người mắc các bệnh nặng có chi phí lớn đã được quỹ BHYT thanh toán. Tính đến hết năm 2011, Việt Nam có hơn 55 triệu người tham gia BHYT, chiếm khoảng hơn 63% dân số. Trong đó, nhóm đối tượng tham gia đạt tỷ lệ 100% là: hành chính sự nghiệp, hưu trí, người có công và thân nhân. Nhóm có tỷ lệ tham gia cao là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh sinh viên và nhóm có tỷ lệ tham gia thấp là doanh nghiệp (53,4%), cận nghèo (13,1%), người tự nguyện tham gia BHYT (18%).

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được và với mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức cũng như một số vấn đề nảy sinh, do đó những kinh nghiệm quý báu của Hàn Quốc trong việc triển khai BHYT toàn dân sẽ được Việt Nam tham khảo và vận dụng vào tình hình hiện nay nhằm tiến đến mục tiêu BHYT toàn dân tại Việt Nam.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ những khó khăn của Việt Nam trong tổ chức thực hiện và quản lý BHYT, kinh nghiệm của các nước đã đạt được BHYT toàn dân; đóng góp ý kiến cho chiến lược nhằm mở rộng bao phủ BHYT ở Việt Nam. Các đại biểu đều cho rằng, nằm trong lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, năm 2012 và các năm tiếp theo, các cơ quan chức năng phải tăng cường tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm của các đơn vị doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, phải thực hiện trách nhiệm của mình đóng bảo hiểm y tế đầy đủ…/.

 

 

Theo Đỗ Thoa/Báo Điện Tử ĐCSVN

Tệp đính kèm