Cập nhật: 30/03/2012 14:55:07 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong những ngày gần đây, đề xuất của Bộ Giao thông vận tải về Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và Phí ô tô đi vào trung tâm giờ cao điểm tiếp tục là chủ đề nóng thu hút nhiều ý kiến bàn luận. Người dân mong muốn Bộ Giao thông vận tải nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và lấy ý kiến của dân.

Vừa qua, trước quá nhiều ý kiến phản biện việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất thu thêm nhiều loại phí giao thông dẫn đến tình trạng “phí chồng phí”, đặc biệt là Phí bảo trì đường bộ và Phí lưu hành phương tiện cá nhân, Bộ Giao thông Vận tải lại đề nghị Chính phủ đổi tên “Phí lưu hành phương tiện cá nhân” thành “Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ” với mục đích nhằm hạn chế sự gia tăng số lượng phương tiện cá nhân, góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

 

Từ lo “phí chồng phí”…

Đó là tâm trạng của không ít người bởi trên thực tế, người dân đã phải "gánh" nhiều loại thuế, phí và lệ phí liên quan tới phương tiện giao thông đường bộ.

 

Trả lời với báo chí bên lề Hội nghị nâng cao chất lượng quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: Phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Khi chuẩn bị đã lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành. Phí không ảnh hưởng lớn, không gây xáo trộn cuộc sống, vì nó chiếm tỷ trọng rất thấp so với cước phí vận tải.

 

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đưa ra tính toán, với xe máy chỉ thu 100 ngàn đồng/năm, bằng 5 lít xăng, chỉ cần giảm đi 100 km là được. Mức phí cho các xe khác cũng không phải quá cao. Sau khi thu phí này trong một thời gian, đường sá tốt lên thì chi phí cho vận tải sẽ giảm, vì lưu thông thuận lợi hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn.

 

Giải thích trên của Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông không thể khiến người dân an tâm. Bởi nhiều người đã tính toán, hiện tại người dân đã phải đóng các loại phí gồm: Phí trước bạ, phí đăng ký cấp biển số, phí xăng dầu, phí bình ổn xăng dầu, phí đăng kiểm, bảo hiểm, phí cầu đường, bến bãi… Và sắp tới, khi các loại phí khác như: Phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, phí vào nội đô giờ cao điểm thì tổng cộng có khoảng 10 loại phí/đầu xe.

 

Vì vậy, việc người dân vẫn lo lắng việc “phí chồng phí” và cảm giác bị “tận thu” không phải là không có cơ sở.Bên cạnh đó, người dân cũng lo lắng giải pháp thu phí sẽ không mang lại hiệu quả trong việc hạn chế phương tiện cá nhân. Lí do là người dân, nhất là đối với người đi xe máy, nếu bỏ phương tiện này chỉ có thể chuyển sang phương tiện xe buýt, hoặc đi xe đạp. Trong khi đó, vận tải công cộng không đáp ứng nhu cầu. Vì vậy, nếu có thu phí thì người dân vẫn phải đi xe cá nhân.

 

Để hạn chế phương tiện cá nhân, có không ít cách thức đơn giản, vừa ít thao tác kỹ thuật, vừa đảm bảo tính công bằng như: Khống chế số lượng xe đăng ký mới, khống chế lưu lượng phương tiện giao thông đường bộ, khống chế thời gian di chuyển theo khu vực…

 

Còn thu phí nhằm mục tiêu giảm ùn tắc giao thông có lẽ cũng không khả thi. Bởi ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân như: Cơ sở hạ tầng cho giao thông quá kém, ý thức của người tham gia giao thông kém, các phương tiện phục vụ giao thông công cộng còn thiếu và kém cả về chất, lượng lẫn thái độ phục vụ kém văn minh… Như vậy, gốc rễ của vấn đề giải quyết tình trạng ùn tắc không phải ở biện pháp thu phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, mà cần sự quy hoạch đô thị hợp lý, tránh tình trạng mật độ dân cư tập trung quá đông ở thành thị…

 

... Đến chỉ sợ không công bằng

 

Theo đề xuất ban đầu của Bộ Giao thông vận tải, việc đề nghị thu phí lưu hành các phương tiện giao thông cá nhân nhằm tạo sự công bằng trong xã hội và giảm việc ùn tắc giao thông trong các đô thị lớn. Phí thu được tính theo đầu phương tiện gồm ôtô và xe máy của các cá nhân đang sử dụng với mức: ôtô từ 20 – 50 triệu đồng/năm, xe máy từ 500.000 – 1 triệu đồng/năm. Nếu thu như trên thì xảy ra bất hợp lý. Bởi xe đi nhiều, đi ít đều mất một số tiền như nhau.

 

Ngay cả đối với từng loại phương tiện cũng cần phải xem xét kỹ càng. Chẳng hạn với phương tiện xe máy, ở những vùng miền có hạ tầng cơ sở kém chất lượng thì phải đóng góp mức phí thấp hơn những vùng có hạ tầng tốt hơn. Bên cạnh đó, cách thu này còn không công bằng ngay đối với người ở trên cùng một địa bàn. Đối với các chủ sở hữu phương tiện, mỗi người có mục đích sử dụng khác nhau nên xe đưa vào tham gia giao thông cũng khác nhau. Có người chạy xe để kinh doanh dịch vụ, có người làm phương tiện đi lại hàng ngày, nhưng có người chỉ đi khi cần thiết, không thể đánh đồng như nhau.

 

Mặt khác, đề xuất thu phí hạn chế phương tiện nhưng lại “ưu tiên” xe của các cơ quan hành chính, đơn vị công lập, công an, quân đội, ngoại giao… cũng là một trong những điểm khiến người dân chưa thỏa mãn.

 

Nếu thu phí phải thu cho công bằng – đó là đòi hỏi chính đáng của người dân. Người dân mong muốn Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các loại thuế và phí một cách tổng thể. Đồng thời, cần lắng nghe nguyện vọng của dân, lấy ý kiến của dân về vấn đề này để có quyết sách hợp lý./.

 

                                                                                                               

 

  Theo Kim Thanh/Báo điện tử

 

Tệp đính kèm