Cập nhật: 24/04/2012 16:59:05 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tính đến tháng 3-2012, nước ta có 119 ca cúm A (H5N1) ở người, trong đó có 59 ca tử vong, chiếm 23% tổng số ca bệnh ở người và 19% số ca tử vong được báo cáo trên thế giới.

Trong "Hội thảo kỹ thuật và chính sách của việc tăng cường dự phòng và kiểm soát bệnh cúm gia cầm độc lực cao H5N1 giữa những nước bị ảnh hưởng” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (BNN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) tổ chức ngày 23-4, tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện BNN&PTNT cho biết, kể từ khi số ca mắc cúm trên người và gia cầm đạt đỉnh điểm vào các năm 2004- 2005, số ca bị lây nhiễm cúm được báo cáo ở Việt Nam đã giảm xuống. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người dân tiếp tục bị lây nhiễm, trong đó các yếu tố dẫn đến việc lây nhiễm trên người và gia cầm vẫn chưa được nhận thức một cách đầy đủ.

 

Các loại dịch cúm gia cầm đã tác động lớn đến kinh tế đất nước, theo Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh tế đối với cúm gia cầm độc lực cao H5N1 ở Việt Nam đã được giới hạn ở cấp kinh tế vĩ mô, nhưng chi phí vẫn cao đối với một số nhà chăn nuôi, chế biến gia cầm. Các chi tiêu chủ yếu liên quan tới tác động về sinh kế do tỷ lệ chết cao trong đàn gia cầm, việc đóng cửa các chợ và tiêu hủy gia cầm nhằm ngăn chặn sự lây lan và tác động tới người nghèo, người sống ở khu vực nông thôn và ngoại thành. Chi phí lớn cũng phát sinh từ chi tiêu của Chính phủ phục vụ mua sắm trang thiết bị, vật tư, thực hiện các chương trình phòng, vận chuyển và nguồn nhân lực cho khống chế các ổ dịch và các đóng góp từ các nhà tài trợ và các tổ chức tài chính quốc tế.

 

Ông Robertson, Cơ quan Phát triển Hoa Kỳ (USAID) cho rằng, bên cạnh cúm gia cầm, nhiều nghiên cứu cho thấy tác động to lớn về kinh tế gây ra bởi các dịch bệnh mới là rất lớn. Ông Robertson đưa ra ví dụ thiệt hại do mất ngày công làm việc, ngưng trệ hoạt động du lịch và thương mại trên thế giới do dịch SART (2002- 2003) đã lên đến 11 tỷ USD và tác động kinh tế từ các bệnh truyền nhiễm mới nổi lên đời sống con người, chăn nuôi và trồng trọt ở Mỹ là hơn 41 tỷ USD mỗi năm. Nhìn vào những con số này, theo ông Robertson điều quan trọng đối với Việt Nam là cần ổn định và đảm bảo bền vững các nguồn đầu tư vào công tác dự phòng và ứng phó để giảm thiểu những tác động về y tế và ngoài ngành y tế, trong đó chú trọng đầu tư vào hoạt động phòng ngừa nhằm ngăn chặn các mối đe dọa do sự xuất hiện các loại dịch vụ bệnh lây nhiễm.

 

Tại Hội thảo, ông Diệp Kỉnh Tần - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, hơn 8 năm qua, Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với rủi ro từ các dịch bệnh từ gia cầm, gia súc. Là một trong những nước bị ảnh hưởng cao từ chủng cúm mới H5N1, Việt Nam đã chú trọng đến việc chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác trong khu vực cũng như với các nước bị ảnh hưởng cao trên toàn thế giới. Việt Nam coi đó là một trong các nhiệm vụ cơ bản với các quốc gia trên thế giới và cũng là cơ hội quan trọng để các bên chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi kinh nghiệm từ các nước khác, để việc đối phó với đại dịch cúm toàn cầu đạt được kết quả khả quan.

 

 

Theo Báo điện tử Đại đoàn kết

Tệp đính kèm