Cập nhật: 10/05/2012 16:31:58 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, mưa dông và thời tiết mát mẻ sẽ sớm kết thúc, do vùng áp thấp phía tây có xu hướng phát triển sẽ chi phối thời tiết các tỉnh phía bắc. Dự báo từ ngày 9-5, nền nhiệt các tỉnh phía bắc tăng trở lại.

Các tỉnh phía bắc có mưa rào và dông vài nơi. Nhiệt độ từ 22 đến 340C. Từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng; nhiệt độ thấp nhất 25 - 350C. Ðà Nẵng đến Bình Thuận, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng; nhiệt độ thấp nhất 25 - 350C. Tây Nguyên, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, ngày nắng; nhiệt độ 20 - 330C.

 

Các tỉnh Nam Bộ, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác, ngày nắng; nhiệt độ 24 - 340C.

 

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chiều 8-5, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết, dịch lợn tai xanh tiếp tục diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ðến nay, cả nước có sáu tỉnh gồm: Ðiện Biên, Yên Bái, Nam Ðịnh, Phú Thọ, Lào Cai, Bắc Ninh tái phát dịch, với khoảng 19 nghìn con lợn mắc bệnh. Hiện Cục Thú y đã cung ứng 180 nghìn liều vắc-xin tai xanh cho các địa phương ngăn chặn dịch lây lan.

 

Ngày 7-5, dịch lợn tai xanh đã lan ra 20 thôn của chín xã thuộc hai huyện Gia Bình và Quế Võ (Bắc Ninh), làm 1.177 con lợn mắc bệnh, trong đó số lợn chết và mắc bệnh nặng phải tiêu hủy là 444 con. Cục Thú y đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại tỉnh, yêu cầu lực lượng thú y, chính quyền các địa phương cần triển khai mạnh mẽ các biện pháp phòng, chống dịch, tiêm phòng đối với toàn bộ đàn lợn và thực hiện tốt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc...

 

Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu vừa tiêu hủy gần 40 con lợn mắc bệnh tai xanh tại các hộ dân ở hai huyện Giá Rai và Vĩnh Lợi. Sau tiến hành tiêu hủy, ngành thú y phối hợp chính quyền cùng hộ chăn nuôi khoanh vùng ổ dịch, cho tiêu độc sát trùng; đồng thời cử cán bộ xuống giám sát, theo dõi đàn lợn trong vùng lân cận, nếu phát hiện có những triệu chứng bất thường cho xử lý kịp thời, nhằm hạn chế thấp nhất dịch bệnh lây lan ra diện rộng.

 

Chi cục nuôi trồng thủy sản Trà Vinh cho biết, tôm sú nuôi bị chết trên địa bàn tỉnh đã gây thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng. Dịch bệnh ở huyện Cầu Ngang chưa khống chế được, hiện đã lan sang nhiều xã của huyện Duyên Hải. Toàn tỉnh đã có hơn 28% diện tích nuôi tôm bị thiệt hại (gần 6.000 ha), số tôm chết chiếm 37% lượng giống thả nuôi. Tôm chết có nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố ao bị ô nhiễm do không có ao lắng lọc theo quy trình khoa học.

 

Ðến ngày 7-5, tỉnh Tuyên Quang có 2.360 ha (hơn 12% diện tích) lúa xuân bị khô hạn, trong số đó có một số diện tích khô héo. Hệ thống bơm tưới của tỉnh hiện có mười trạm bơm nhưng không hoạt động được do thiếu nguồn nước. Tỉnh chỉ đạo các Ban quản lý công trình thủy lợi điều tiết nước kịp thời, bảo đảm đủ lượng nước để lúa trổ đòng và tưới luân phiên để tiết kiệm nước tưới.

 

Theo ngành nông nghiệp Hải Dương, toàn tỉnh có hơn 2.000 ha lúa đông xuân nhiễm rầy, mật độ trung bình từ 1.000 đến 2.000 con/m2. Trong đó có 66 ha lúa nhiễm mật độ 5.000 đến 7.000 con/m2, chủ yếu là rầy lưng trắng. Ngành nông nghiệp đã cử cán bộ  tăng cường hướng dẫn nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để tránh bùng phát dịch.

 

UBND tỉnh Hòa Bình vừa có công điện chỉ đạo các huyện, thành phố và các ngành tập trung phòng, chống, chữa cháy rừng (PCCCR). Lực lượng kiểm lâm, các tổ, đội quần chúng quản lý và bảo vệ rừng cần chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện theo phương châm "bốn tại chỗ". Ðối với những khu vực vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra cháy rừng cao như Ðà Bắc, Mai Châu, Tân Lạc, Kim Bôi cần tổ chức ứng trực thường xuyên, chuẩn bị các phương án PCCCR.

 

Cơn mưa lớn kéo dài hơn một giờ chiều 8-5 đã làm một số tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh bị ngập. Ngập nặng nhất là các tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Thủ Ðức)... nước ngập sâu từ 30 đến 50 cm đã gây ùn tắc, ảnh hưởng lưu thông của người dân trên quốc lộ này.

 

 

 

Theo Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm