Cập nhật: 15/05/2012 16:06:31 Article Rating
Xem cỡ chữ

Những tai nạn đuối nước thương tâm của trẻ em xảy ra trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh mạnh mẽ về sự quan tâm của người lớn đối với con trẻ. Mỗi bậc cha mẹ cần thường xuyên giám sát và chủ động dạy con trẻ biết bơi để tránh những tai nạn đáng tiếc khi hè đến.

 

Những con số giật mình

 

Kết quả khảo sát về tai nạn thương tích Việt Nam năm 2010 do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trường Đại học Y tế công cộng thực hiện cho thấy: Trong vòng 5 năm trở lại đây, đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn thương tích dẫn đến tử vong ở trẻ em và vị thành niên ở nước ta.

 

Số liệu cho thấy, 15 tỉnh, thành phố có số trẻ em đuối nước cao nhất toàn quốc là: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Nội, Tiền Giang, Nam Định, Đắk Lắk, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Đồng Tháp, An Giang, Sơn La, Lâm Đồng, Hải Phòng, Long An, Thái Bình.

 

Mùa hè chỉ mới bắt đầu, nhưng những ngày gần đây, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh các tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em khiến xã hội phải giật mình. Có thể kể đến một số vụ mới xảy ra ở Hà Nội như: Ngày 17-3, tại khu vực đội 7, thôn 10, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất xảy ra vụ đuối nước khiến hai cháu Lê Quân Anh và Đỗ Công Vinh, đều 6 tuổi, học Trường Mầm non Thạch Hòa tử vong.

 

Ngày 21/4, tại lòng giếng Đình, thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, người dân phát hiện 2 cháu nhỏ là Nguyễn Văn Hiệu, sinh năm 2004 và em gái là cháu Nguyễn Thị Mai Hoa, sinh năm 2006 đều bị chết đuối.

 

Ngày 22/ 4, cháu Nguyễn Nam Hải, trú ở tổ 3, phường Giang Biên, quận Long Biên cùng một số bạn đi tắm tại sông Đuống, khu vực tổ 2, phường Giang Biên và bị chết đuối.

 

Ngày 27/4, tại khu ao lò gạch Sinh Quả, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, cũng xảy ra vụ 2 học sinh bị đuối nước là Nguyễn Văn Đông và Nguyễn Duy Hưng. Cả hai em đều ở thôn Thạch Bích, xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai.

 

Ngày 30/4, do trời nắng nóng, 4 cháu bé đang là học sinh lớp 5 ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh đã rủ nhau đến hố nước sâu trong khu đô thị đang xây dựng để tắm và 3 cháu đã bị chết đuối.

 

Mới nhất, ngày 12/5, tại xã Xuân Bắc, huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), đã xảy ra vụ chết đuối thương tâm làm 5 học sinh tử nạn. Đáng lưu tâm trong vụ này, một gia đình thì mất đi 2 con, một gia đình mất đi 3 con.

 

Có thể thấy, nạn nhân của các vụ đuối nước đều là các em nhỏ tuổi. Thời điểm xảy ra tai nạn thường vào lúc các em tan học về. Đây là khoảng thời gian thiếu sự quản lý, giám sát của gia đình cũng như nhà trường. Các em thường tự ý rủ nhau ra sông, ao, hồ tắm mà không có sự hướng dẫn và bảo vệ của người lớn. Bên cạnh đó, còn do một số gia đình bất cẩn, không theo dõi chặt chẽ, để trẻ chơi tự do, dẫn đến tai nạn đuối nước.

 

Nâng cao nhận thức của phụ huynh

 

Vấn đề đuối nước ở trẻ em năm nào cũng được nhắc đến nhưng vẫn không hề giảm. Chính vì vậy, chúng ta cần có các giải pháp phòng chống tai nạn thương tích trực tiếp, thiết thực và hiệu quả hơn.

 

Cần khẳng định rằng, vấn đề quan trọng nhất để giảm nguy cơ đuối nước ở trẻ em chính là ở các bậc làm cha, làm mẹ, bởi lơ là đối với trẻ đồng nghĩa với thảm họa đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ bằng cách làm tường rào, lấp kín những ao hồ không cần thiết, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình. Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ, tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để con trong tầm quan sát của mình. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần chủ động dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước.

 

Bên cạnh đó, cần từng bước đưa môn bơi an toàn vào trong trường học một cách rộng rãi, đẩy mạnh xã hội hoá công tác dạy bơi. Trong cộng đồng cần đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống đuối nước trẻ em với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với cha mẹ, người chăm sóc trẻ.

 

Mọi người trong cộng đồng cũng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu trẻ em bị đuối nước đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra ./.

 

 

 

Theo Kim Thanh/Báo điện tử ĐCSVN

Tệp đính kèm