Cập nhật: 23/05/2012 15:36:18 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục đi qua Bắc Bộ cho nên miền bắc, các tỉnh bắc Trung Bộ xảy ra một đợt mưa kéo dài đến hết tuần, khiến nhiệt độ giảm khoảng 30C, tiết trời chuyển mát mẻ, khu vực phía tây Bắc Bộ, bắc Trung Bộ chấm dứt nắng nóng. Ðặc biệt, khoảng từ ngày 25 đến 27-5 lượng mưa gia tăng.

 

Trong đó, có ngày rải rác mưa vừa, có nơi mưa to và giông mạnh. Các tỉnh vùng núi cần đề phòng mưa to cục bộ sinh lũ quét đầu mùa gây thiệt hại về người và tài sản. Ngày 22-5, nắng nóng trên diện rộng còn xảy ra ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Phú Yên với nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 35 đến 370C. Dự báo đợt nắng nóng này có khả nắng kéo dài một đến hai ngày tới.

 

UBND thành phố Hà Nội  chỉ đạo kế hoạch cấp nước mùa hè và tiêu thoát nước đô thị mùa mưa năm 2012. Theo đó, yêu cầu các đơn vị phải bảo đảm số lượng và chất lượng nước sạch, không để thiếu nước sạch trong mùa hè đối với các khu vực đã có mạng cấp nước tập trung, bình quân 130 lít/người/ngày đêm. UBND thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu thất thoát nước sạch và tăng cường sử dụng nguồn nước từ Nhà máy nước sạch sông Ðà.

 

Tỉnh Ninh Bình trích gần 100 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia và vốn ngân sách địa phương để tu bổ hàng loạt hệ thống đê xung yếu: đê Hữu Ðáy, đê Tả Hoàng Long; nạo vét, tu bổ khẩn cấp hệ thống kênh trục huyện Yên Khánh, hồ Thường Sung cải tạo kênh mương nội đồng ở năm xã miền núi khu Năm Căn (chín tỷ đồng), đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công đường vành đai chống lũ quét ở thượng nguồn thị xã Tam Ðiệp.

 

Từ nay đến hết năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đầu tư hơn 90 tỷ đồng  xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn dư tại năm địa điểm trên địa bàn tỉnh. Cùng với việc xử lý môi trường, các dự án này cũng xây dựng hai trạm xử lý nước công suất 400m3/ ngày đêm tại làng Ðông Môn, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc và trạm xử lý nước công suất 800m3/ngày đêm tại thị trấn Nhồi, huyện Ðông Sơn để cung cấp nước cho người dân trong khu vực.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên đề nghị Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam chỉ đạo Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ, Công ty CP thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh phối hợp vận hành, điều tiết nước, bảo đảm nước sản xuất cho hơn 23.500 ha lúa ở hạ du sông Ba. Tại tỉnh Gia Lai, Công trình thủy lợi Ia MLáh ở địa bàn huyện Krông Pa có dung tích 54 triệu m3 và năng lực tưới hơn 5.000 ha, song đến nay, mới chỉ phục vụ 500 ha cây trồng do hệ thống kênh mương chưa được hoàn thiện.

 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt kinh phí hơn 27 tỷ đồng đầu tư xây dựng Cảng cá Ðại Lãnh (huyện Vạn Ninh) trên diện tích 2.800 m2, phục vụ cho hơn 300 tàu cá của ngư dân trong khu vực Ðại Lãnh và vùng lân cận. Dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tại hai huyện An Biên và An Minh (giai đoạn 2011-2015) vừa được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt với tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng, có quy mô hơn 9.800 ha, với mục tiêu nhằm bảo vệ và phát triển rừng theo hướng bền vững, chống xói mòn ven biển.    

 

Vụ lúa chiêm xuân năm 2012, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên đã cung ứng cho nông dân 2.000 tấn phân bón ở 82 xã của chín huyện, thành phố. Với hình thức trả chậm, nông dân mua phân bón được giảm từ 3 đến 5% so giá thị trường, năng suất tăng từ 10 đến 15% và tránh mua phải hàng nhái, hàng giả. Ðến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đã xuống giống được 188.657 ha lúa hè thu, đạt 66,5% diện tích gieo cấy. Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh đang có 8.793 ha lúa bị nhiễm bệnh cháy lá, bệnh thối thân, bệnh vàng lá vi khuẩn, sâu cuốn lá, nhện gié... và gần 200 ha bị nhiễm bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá (với tỷ lệ gây hại từ 5 đến 10%), chủ yếu trên trà lúa từ đẻ nhánh đến làm đòng.

 

Tỉnh Cà Mau vừa họp triển khai kế hoạch, phương án PCLB năm 2012. Kế hoạch sơ tán dân được tiến hành ở sáu huyện, 24 xã, ba thị trấn ven biển; có khoảng 9.500 hộ dân nằm trong khu vực cần phải sơ tán trong mùa mưa bão; bố trí chín khu vực neo đậu, trú bão cho tàu thuyền ở các cửa biển...

 

Theo Chi cục Kiểm lâm Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có gần 400 nghìn ha rừng đang có nguy cơ cháy, trong đó có hơn 80 nghìn ha rừng đang ở cấp độ IV (cấp nguy hiểm); hơn 104 nghìn ha ở cấp độ III và hơn 163 nghìn ha cấp độ II, có khả năng cháy rừng. Tỉnh đã yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp UBND các huyện kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị tốt các phương án bảo đảm  lực lượng, vật tư, thiết bị, sẵn sàng ứng phó ngay khi cháy xảy ra. Tại tỉnh Quảng Trị, do nắng nóng kéo dài cộng với các đợt gió Lào thổi mạnh, cho nên nguy cơ cháy rừng rất cao. Các ngành chức năng của tỉnh đang triển khai các giải pháp cấp bách, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy rừng có thể xảy ra. Ban chỉ huy bảo vệ rừng các cấp được kiện toàn, trực 24/24 giờ để xử lý các thông tin về cháy rừng.

 

Theo Cục Thú y, các tỉnh Yên Bái, Nam Ðịnh, Phú Thọ và Lào Cai đã khống chế thành công dịch lợn tai xanh; hiện cả nước còn năm tỉnh: Ðiện Biên, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lai Châu và Hòa Bình có dịch chưa qua 21 ngày. Ngày 22-5, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần, lãnh đạo Cục Thú y, Cơ quan Thú y vùng đã đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch tai xanh tại tỉnh Hòa Bình. Sau khi xuất hiện ổ dịch tại Trại lợn của Trung tâm giống vật nuôi tỉnh, mới đây, tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình), dịch tai xanh tiếp tục bùng phát ra các xã Cư Yên, Liên Sơn, Hòa Sơn, làm khoảng 500 con lợn nhiễm bệnh.

 

Khánh thành Trạm tìm kiếm, cứu nạn đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)

 

Ngày 22-5, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức  khánh thành Trạm tìm kiếm, cứu nạn (TKCN) đảo Cồn Cỏ, tại huyện  Cồn Cỏ. Công trình có vốn đầu tư 7,589 tỷ đồng, gồm tòa nhà hai tầng, có diện tích 700 m2, được sử dụng để phục vụ điều hành chỉ huy, nơi làm việc và sinh hoạt của bộ phận TKCN; điều trị cho người bị nạn khi có lũ, bão xảy ra.

 

 

 

Theo Báo Nhandan Online

Tệp đính kèm