Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, rãnh áp thấp chi phối thời tiết các tỉnh phía bắc suy yếu và mờ dần. Nhiệt độ thấp nhất tại các tỉnh, thành phố nhích dần lên so với ngày hôm trước, đêm và sáng sớm trời vẫn mát mẻ, vùng núi trời lạnh, các vùng núi cao vẫn duy trì rét nhẹ.
Dự báo, trong khoảng một, hai ngày tới, rãnh áp thấp trên tiếp tục suy yếu và mờ dần đi. Trong khi đó, vùng áp thấp nóng phía tây có xu hướng phát triển và mở rộng dần về phía nước ta, khiến tiết trời khu vực các tỉnh phía bắc, Bắc Trung Bộ tốt dần lên, mưa gió giảm hẳn, chỉ có mưa rào và dông vài nơi. Ngày trời nắng, trưa về chiều thời tiết khá nóng bức.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Sơn La, vào hồi 10 giờ ngày 25-5, tại khu vực suối Huổi Kho bản Háng Sía, xã Pú Bẩu, huyện Sông Mã có mưa to kéo dài, gây lũ quét tại suối Huổi Kho làm một người chết.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi cơ bản thu hoạch xong vụ đông xuân, các tỉnh phía nam đang chuyển trọng tâm sang làm đất, xuống giống lúa hè thu và gieo trồng cây rau màu, công nghiệp ngắn ngày; đến ngày 15-5, các tỉnh phía nam đã xuống giống hơn 1,37 triệu ha lúa hè thu, nhanh hơn cùng kỳ năm trước 9,2%; trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) đạt 1,3 triệu ha, tăng 13,4%. Nhiều địa phương ở vùng ÐBSCL có tiến độ xuống giống lúa hè thu nhanh hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước như Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Bến Tre... do thu hoạch lúa đông xuân sớm; đồng thời tích cực, chủ động khai thác nguồn nước sẵn có và điều kiện thời tiết trên địa bàn tương đối thuận lợi.
Lúa đông xuân ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã trỗ hơn 20% tổng diện tích gieo cấy, tăng hai lần so với cùng kỳ năm trước. Ở một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc... tỷ lệ lúa trỗ cao, đạt từ 80 đến 100% diện tích gieo cấy.
Tỉnh Ðồng Tháp đang khẩn trương triển khai kế hoạch làm đê bao chống lũ, bảo vệ lúa vụ thu đông (vụ 3) năm 2012. Ðến nay, toàn tỉnh đã huy động được hơn 135 tỷ đồng để làm thủy lợi, xây dựng các đê bao chống lũ, bảo vệ lúa theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm".
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang, trung tuần tháng 5, toàn tỉnh có thêm 9.800 ha lúa hè thu bị nhiễm mới bệnh đạo ôn, nâng tổng diện tích bị nhiễm hơn 15 nghìn ha. Bệnh bộc phát mạnh trên trà lúa 20 đến 30 ngày tuổi, nhiều nhất ở huyện Thoại Sơn và Châu Thành đối với các giống lúa OM4218 và IR50404. Nguyên nhân do thời tiết thất thường đã tạo độ ẩm cao, nhất là ở những ruộng sạ dày, bón thừa phân đạm, bị ngộ độc hữu cơ và một số vùng đất còn nhiễm phèn nặng.
Tỉnh Kiên Giang hiện có gần bảy nghìn ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó huyện An Minh bị thiệt hại nhiều nhất với hơn năm nghìn ha. Theo ngành nông nghiệp, nguyên nhân tôm nuôi bị chết là do ảnh hưởng của thời tiết, chất lượng tôm giống kém và nông dân nuôi tôm chưa tuân thủ nghiêm lịch thời vụ. Bên cạnh đó, có gần chín nghìn ha lúa hè thu của tỉnh cũng đang bị các loại sâu bệnh như: cuốn lá, cháy lá, nhện gié, thối thân... hoành hành.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, từ đầu mùa mưa đến nay, diện tích tôm sú nuôi công nghiệp, bán công nghiệp của tỉnh bị chết lên đến gần 8.000 ha. Ðáng lưu ý, trong tuần qua, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại hơn 780 ha. Ðể hạn chế thiệt hại, chính quyền và ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con chậm thả tôm nuôi mới, tập trung cải tạo xử lý môi trường; đồng thời tỉnh tăng cường công tác kiểm tra chất lượng con giống, thuốc thú y thủy sản...
Ðến nay, trong vụ lúa hè thu, tỉnh Long An đã gieo sạ được 187 nghìn 258 ha, đạt 85,2% so với kế hoạch. Dịch bệnh trên lúa tuy không lan rộng nhưng gây hại cục bộ trên trà lúa đẻ nhánh, đòng trổ. Toàn tỉnh (chủ yếu ở các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Mộc Hóa) hiện có 4.629 ha nhiễm rầy nâu, 4.683 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá và có 1.110 ha bị ốc bươu vàng xâm hại. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo, bà con gieo sạ đợt ba (từ 25-5 đến 5-6) cần xuống giống tập trung, đồng loạt, đúng lịch thời vụ nhằm né rầy...
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trong tuần qua, dịch lợn tai xanh đã xảy ra tại 17 thôn của các xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) và Tản Hồng, Phú Cường (huyện Ba Vì); với 1.291 con mắc bệnh và số lợn chết là 371 con. Chi cục Thú y đã thành lập tổ công tác phòng, chống dịch bệnh tai xanh và phân công cán bộ xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn, đôn đốc chống dịch; cấp 2.000 lít hóa chất cho huyện Phúc Thọ, 3.200 lít cho huyện Ba Vì, 2.600 lít cho huyện Chương Mỹ và 1.200 lít cho huyện Gia Lâm và các loại vắc-xin giúp các địa phương tiêm phòng cho đàn gia súc.
Dịch tai xanh ở lợn đang có chiều hướng lây lan trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh sau khi tỉnh công bố dịch vào ngày 2-5. Chi cục Thú y tỉnh đã cấp phát 4.600 lít hóa chất; các địa phương đã sử dụng 240 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường; lập 29 chốt cố định tại lối ra, vào ổ dịch, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch.
Theo Nhân dân Online