Cập nhật: 29/05/2012 16:32:38 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo dự báo, trong năm 2012, bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông nhiều hơn và xuất hiện sớm hơn so với quy luật hàng năm, lượng mưa cũng lớn hơn.

Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Đức Ngữ, Giám đốc Trung tâm KHCN Khí tượng Thủy văn và Môi trường.

 

PV: Thưa ông, việc dự báo thời tiết nói chung và thiên tai nói riêng phải thực hiện như thế nào để người dân nắm được tốt nhất diễn biến của thời tiết, giúp họ chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra?

 

Ông Nguyễn Đức Ngữ: Ngành khí tượng thủy văn nói chung, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nói riêng, trong thời gian qua đã được tăng cường các trang thiết bị hiện đại, nhưng tôi cho rằng ngành tiếp tục phải được hiện đại hóa, không chỉ về trang thiết bị, phương pháp dự báo, mà phải đặc biệt chú ý đến việc đào tạo đội ngũ dự báo viên. Có như vậy, các bản tin dự báo, nhất là dự báo thiên tai mới có thể thực hiện sớm hơn, nội dung chi tiết, cụ thể, chính xác hơn.

 

Các cơ quan dự báo thời tiết cần có sự phối hợp chặc chẽ với các cơ quan khác, đặc biệt là với các phương tiện truyền thông đại chúng để thực hiện tốt nhất việc truyền bản tin đến với người dân. Hiện nay, các đài phát thanh thường đọc nguyên văn bản tin dự báo thời tiết, điều này rất tốt, nhưng khi có thiên tai, các phát thanh viên cần đọc chậm hơn để người dân nhớ được.

 

Các đài truyền hình có cải biên các bản tin dự báo cho phong phú, sinh động hơn. Tuy nhiên, mức độ cải biên sao cho vừa phải, tránh bị loãng bản tin và không làm người nghe mất tập trung. Các phát thanh viên khi giải thích các hiện tượng cần thận trọng, tránh gây hiểu lầm. Phát thanh viên phải nắm vững các thuật ngữ để không diễn đạt sai.

 

Một số phát thanh viên nói tắt trong các bản tin, ví dụ nhiệt độ gọi là nhiệt, không khí gọi là khí là không đúng bởi đây là những khái niệm vật lý hoàn toàn khác nhau. Ngoài ra, cần thiết thì tập huấn, để người dân hiểu đúng nội dung bản tin, như thế mới không phạm sai lầm trong phòng tránh.

 

Dự báo năm nay lượng mưa sẽ nhiều hơn mọi năm

 

PV: Các tàu thuyền cần được trang bị ra sao để đảm bảo thông tin liên lạc với đất liền, trú ẩn an toàn khi gặp mưa bão?

 

Ông Nguyễn Đức Ngữ: Các tàu thuyền đánh cá trên biển cần được trang bị các phương tiện thu và phát thông tin tốt. Những người trên tàu không chỉ nghe thông tin dự báo mà còn phải nhìn được hình ảnh. Ví dụ khi có cơn bão áp thấp nhiệt đới, họ phải nhìn được hình ảnh cơn bão ấy nằm ở đâu trên biển, hướng di chuyển của cơn bão như thế nào và vị trí con tàu của họ đối với cơn bão  ra sao.

 

Không chỉ tiếp nhận thông tin, các tàu cần có máy phát để liên hệ với đất liền, nhận sự chỉ huy trực tiếp từ đất liền đối với những tình huống khẩn cấp để đưa tàu vào nơi tránh bão an toàn. PV: Mùa mưa bão năm nay, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề gì trong công tác phòng chống lụt bão, thưa ông?

 

Ông Nguyễn Đức Ngữ: Thời gian qua, công tác phòng chống lụt bão thực hiện theo phương án 4 tại chỗ đạt được kết quả tốt, phát huy được tính chủ động của các địa phương. Thế nhưng, thực hiện phương án 4 tại chỗ không có nghĩa là khoán trắng cho địa phương, nhất là khi thiên tai nghiêm trọng và kéo dài.

 

Cùng với 4 tại chỗ, chúng ta cần phải hiện đại hóa công tác phòng chống lụt bão chứ không thể làm thủ công mãi được. Trước mắt, chúng ta cần kết hợp phương pháp thủ công và hiện đại. Quan trọng nhất là công tác phòng chống lụt bão phải có kế hoạch dài hơi, đề ra những giải pháp căn cơ để giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai gây ra.

 

PV: Xin cảm ơn ông!./.

 

Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Xây dựng lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp

 

Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cần chiến lược dài hơi trong 50 năm, 70 năm, thậm chí 100 năm; đồng thời phải có những giải pháp ứng phó ngay trước mắt. Hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng sâu hơn ở ĐBSCL, bão đến sớm như năm nay là ví dụ. Việc chúng ta xây dựng kịch bản, tổ chức diễn tập thường xuyên là cần thiết để đáp ứng được yêu cầu phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai. Tuy nhiên, dù chúng ta có dự báo, cập nhật thường xuyên nhưng cũng không thể lường hết được tác hại do thiên tai gây ra.

 

Chúng ta cần tổng kết, rút kinh nghiệm phòng, chống lụt bão, thiên tai trong những năm gần đây, bởi đó là biện pháp rất hữu ích trong việc ứng phó với thiên tai, thảm họa. Về lâu dài, cần xây dựng lực lượng cứu hộ được đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp hơn nữa để đáp ứng yêu cầu giảm nhẹ thiệt hại trước thiên tai, thảm họa.

 

Ông Lê Trường Lưu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế: Triển khai đồng bộ việc phòng chống

 

Do yếu tố địa hình và vị trí đặc biệt về địa lý nên tỉnh Thừa Thiên - Huế hằng năm thường chịu ảnh hưởng của nhiều loại thiên tai như: bão, lũ, lũ quét, lốc tố, hạn hán, xâm nhập mặn, nước dâng do bão, sạt lở, xói lở bờ sông, bờ biển… Vì vậy, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai được địa phương xem là nhiệm vụ thường xuyên, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ cấp tỉnh đến huyện, xã, thôn. Cùng với đó, ý thức chủ động phòng chống của người dân được nâng cao nên phần nào hạn chế được thiệt hại do thiên tai, lụt bão gây ra.

 

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương: Người dân cần nắm đúng nội dung bản tin dự báo

 

Đầu năm, Trung tâm thực hiện rà soát trang thiết bị máy móc ở trung tâm và các trạm quan trắc, các trung tâm dự báo tỉnh, cơ cấu đủ máy móc để các trung tâm dự báo có thể hoạt động tốt nhất trong mùa bão lũ 2012. Chúng tôi đã đưa một số công nghệ, trang thiết bị mới vào sử dụng. Trung tâm đã ban hành chỉ thị và tập huấn cho toàn thể cán bộ công nhân viên chức ngành khí tượng thủy văn để anh chị em nắm được nhiệm vụ cơ bản trong công tác phòng chống lụt bão năm 2012.

 

Các hiện tượng thời tiết ở nước ta xảy ra bất thường và cực đoan, có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào trong năm. Ví dụ, chưa vào mùa mưa bão cũng có thể xảy ra bão, vì thế không nên chủ quan. Chúng tôi có nhận được ý kiến của thính giả Đài TNVN, người dân đề nghị có những thay đổi trong nội dung bản tin. Xin nói rõ là bản tin thời tiết chúng tôi phát ra dựa vào quy chế phát tin bão lũ do Thủ tướng Chính phủ quy định. Từ tiêu đề bản tin đến các nội dung bản tin nói cái gì, nói làm sao, đều đã có quy định rõ ràng. Chúng tôi chỉ có thể diễn đạt bằng những từ ngữ để mọi người dễ hiểu, dễ nhớ hơn mà thôi.

 

Thời gian qua, một vài địa phương đã xây dựng được những mô hình phòng chống thiên tai rất hiệu quả. Nên có tổng kết, rút kinh nghiệm làm bài học cho các địa phương khác và cho những lần sau. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và ở các tỉnh, huyện, ngoài việc hằng năm tổ chức diễn tập cần chọn ra những mô hình tốt để có sự phối hợp tất cả các lực lượng trong công tác phòng chống lụt bão từ Trung ương tới cơ sở.

 

Từng người dân phải nắm được tình hình thiên tai đang ảnh hưởng tới nước ta như thế nào, nắm đúng nội dung các bản tin dự báo thời tiết, tuân thủ sự chỉ đạo của các cấp chính quyền để sơ tán, phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra./.   

 

 

Theo Quang Huy - Thái Hà/VOV Online

Tệp đính kèm