Đời sống tôn giáo ở Việt Nam đã có sự thay đổi rất căn bản từ khi đổi mới. Từ chỗ chỉ có 3 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận, đến nay đã có 37 tổ chức tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân...
Từ chỗ gần như không có hoạt động xuất bản kinh sách tôn giáo, nhưng đến nay xuất bản hàng chục triệu bản, riêng Kinh thánh đã có gần 1 triệu bản được xuất bản. Các ngày lễ trọng của các tôn giáo thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn tín đồ, số người theo các tôn giáo đã và đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Cũng từ sau đổi mới, Việt Nam đã có quan hệ không chính thức với Vatican qua 18 lần hai bên gặp, làm việc tại Rome và Hà Nội. Chính phủ Việt Nam đã đồng ý để đại diện Tòa thánh Vatican được vào Việt Nam… Đó là những dẫn chứng sinh động cho thấy sự thay đổi tích cực trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam.
Tại hội thảo quốc tế “Tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế - Những kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam” do Ban Tôn giáo Chính phủ và Liên minh châu Âu tổ chức, Juan Jose Almagro Herrador, Cố vấn chính trị phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá: “Trong thời gian qua tôi nhận thấy những bước phát triển rất quan trọng trong công tác tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam. Hợp tác của châu Âu và Việt Nam đã lên một tầm cao mới với việc hai bên đang xúc tiến đẩy nhanh quá trình ký Hiệp định Đối tác-Hợp tác sẽ mang lại cơ hội để chúng ta mở rộng thêm đối thoại, trong đó có các đối thoại về nhân quyền. Tháng Giêng vừa rồi, hai bên đã có đối thoại về vấn đề này và có thể cuối năm nay chúng ta sẽ có một cuộc đối thoại nữa. Và sự hợp tác tăng cường đó sẽ mang lại những lợi ích thiết thực về quyền con người”.
Các đại biểu đã phân tích về những chuyển biến trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam là kết quả của nhận thức mới về tôn giáo và chính sách đối với tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhiều học giả đã cho rằng, đổi mới đối với tôn giáo là một trong những thành tựu của quá trình Đổi mới ở Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Xuân, Phó trưởng ban Tôn giáo Chính phủ phát biểu: “Nhận thức rất mới và chủ trương rất mới là nhìn nhận và phát huy những giá trị tích cực về đạo đức, văn hóa của các tôn giáo và khuyến khích những hoạt động tiến bộ vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Đổi mới tôn giáo của chúng ta góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra quốc tế, cho thế giới biết về đời sống của Việt Nam, thấy được chuyển biến trong các chính sách tôn giáo ở Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta có đủ căn cứ để đấu tranh với những phần tử xuyên tạc tình hình tôn giáo của Việt Nam với dụng ý xấu”.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng khẳng định, hiếm có quốc gia trên thế giới có sự dung hòa giữa các tôn giáo lớn trong lòng dân tộc như ở Việt Nam, điều đó đã trở thành đặc điểm nổi trội của xu hướng xây dựng xã hội đoàn kết vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Theo Tác giả Ngọc Hà VTV.VN