Cập nhật: 16/06/2012 11:01:46 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, tính đến hết 31/5, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 57,88 triệu người. Thông tin trên được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cung cấp cho báo chí tại buổi họp báo chiều 15/6, ở Hà Nội.

Sáu tháng đầu năm 2012, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển đối tượng, tăng thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội; chỉ đạo bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện tăng cường quản lý và tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Do đó, công tác thu và đối tượng tham gia có bước tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2011.

 

Ước đến hết tháng Sáu, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tê là 58,03 triệu người, tăng 8,23% so với cùng kỳ năm 2011; tổng thu toàn ngành ước đạt 55,97 nghìn tỷ đồng, đạt 46,4% so với kế hoạch Thủ tướng giao, tăng hơn 18.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu bảo hiểm xã hội bắt buộc là gần 40.680 tỷ đồng (tăng 65,3%), thu bảo hiểm xã hội tự nguyện là 155,6 tỷ đồng (tăng 93,5%) và bảo hiểm y tế trên 15.000 tỷ đồng (tăng 33,4%).

 

Việc giải quyết chế độ chính sách cho người lao động thời gian qua cũng được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được chi trả đầy đủ, an toàn; quỹ bảo hiểm y tế được cân đối, góp phần ổn định đời sống người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Tuy nhiên, cơ quan này cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội, đăng ký số người tham gia bảo hiểm xã hội và mức tiền lương, tiền công tham gia bảo hiểm xã hội thấp hơn so với lương thực tế; tình trạng chậm đóng, nợ đọng bảo hiểm xã hội xảy ra khá phổ biến ở các địa phương.

 

Tính đến hết tháng 5/2012, số tiền nợ đã lên đến hơn 8.660 tỷ đồng, bằng 7,89% số phải thu, tăng gần 3.790 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nợ bảo hiểm xã hội gần 6.500 tỷ đồng, nợ bảo hiểm y tế 2.170 tỷ đồng. Tình trạng lạm dụng trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế còn xảy ra ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh, nhiều nơi chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật sử dụng máy móc thiết bị được trang bị từ nguồn vốn xã hội hóa rộng rãi, quá mức cần thiết so với tình trạng bệnh lý; thanh toán trùng lặp, chênh lệch so với thực tế; kê khai sai số lượng, đơn giá thuốc; lạm dụng khám cận lâm sàng, thu trùng chi phí khám chữa bệnh, bệnh nhân phải nằm ghép nhưng vẫn thanh toán mỗi người/định suất giường bệnh…

 

Từ nay đến cuối năm, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế tại các đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở khám chữa bệnh; kiểm tra việc thực hiện các quy định, quy trình nghiệp vụ của ngành, kiên quyết xử lý những hành vi vi phạm.

 

Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của những người tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về chính sách pháp luật bảo hiểm y tế, nhân Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam 1/7, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức đợt tuyên truyền cao điểm với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm thực hiện nghiêm pháp luật về bảo hiểm y tế tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân”./.

 

 

Chu Thanh Vân /TTXVN

Tệp đính kèm