Ngày 4/7 tại TP Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với tổ chức Unido tổ chức hội thảo: “Doanh nghiệp và việc tuyển dụng lao động trong các trường đại học, cao đẳng”.
Ông Florian Beranak, Cố vấn trưởng Unido cho rằng: Ở Việt Nam, hệ thống giáo dục chưa thực sự tạo ra nhiều lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, việc đào tạo giữa lý thuyết và thực hành vẫn còn khoảng cách.
Trong tình hình đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là hết sức ý nghĩa, tạo ra khung đối thoại giữa phía tuyển dụng với đào tạo, người lao động. Trách nhiệm đó thể hiện qua các lĩnh vực như: môi trường, lao động, sự trung thực trong kinh doanh, vấn đề người tiêu dùng, quản trị và nhân quyền, sự tham gia của cộng đồng. Nhiều đại diện các cơ sở đào tạo nhân lực cho rằng, trong khi doanh nghiệp “kêu ca” thiếu lao động, lao động do nhà trường đào tạo không đáp ứng được yêu cầu nhưng chính doanh nghiệp lại không chịu tham gia cùng nhà trường, dẫn đến sự lãng phí. Vì vậy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần phải trở thành một trong những tiêu chí đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp và nhà trường cần tìm được tiếng nói chung trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là đối với sinh viên các trường cao đẳng, đại học.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: Điểm dễ nhận thấy của thị trường lao động Việt Nam là sự tồn tại nghịch lý, có nhiều người thất nghiệp nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp tuyển không đủ lao động. Có đến 70% học sinh bước vào đời chưa qua hướng nghiệp, số sinh viên ra trường có việc làm chỉ đạt con số 30%, trong đó chỉ có 50% làm đúng chuyên môn đào tạo. Trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ tính riêng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có hơn 70. 000 người đăng ký thất nghiệp , tăng 22.00 0 người so với cùng kỳ. Thành phố đã giải quyết việc làm cho gần 150.000 lao động, đưa gần 2.500 người đi làm việc tại các nước ./.
Theo TTXVN