Cập nhật: 13/07/2012 14:58:22 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chương trình Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tuy nhiên, đến nay, sau bốn năm triển khai, chương trình vẫn gặp nhiều khó khăn,  làm cho mục tiêu của chương trình khó hoàn thành. Hơn lúc nào hết, thời điểm này rất cần sự đồng thuận và tham gia mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, để từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chương trình nhà ở  hoàn thành kế hoạch.

 

Vướng mắc từ vốn đến mặt bằng

 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến thời điểm này, trong chương trình phát triển nhà ở xã hội (NOXH) chỉ có chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QÐ-TTg ngày 12-12-2008 và Quyết định 67/2010/QÐ-TTg ngày 29-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ là hoàn thành kế hoạch. Còn lại ba chương trình nhà ở cho sinh viên, nhà ở công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại đô thị đều đạt tỷ lệ rất thấp. Sau ba năm triển khai chương trình, đến nay đã có 157/251 khối nhà ở sinh viên được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đáp ứng khoảng 134 nghìn chỗ ở trên dự kiến năm triệu sinh viên, học sinh vào năm 2015; 67 dự án nhà ở cho công nhân lao động tại khu công nghiệp được hoàn thành bàn giao, đáp ứng khoảng gần 68 nghìn chỗ ở trên 7,2 triệu lao động dự kiến đến năm 2015 và 10 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp tại đô thị đã hoàn thành, đáp ứng chỗ ở khoảng 13 nghìn người. Mặc dù  được các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ, nhưng thực tế triển khai lại gặp khá nhiều vướng mắc, chủ yếu vẫn là những nguyên nhân liên quan cơ chế, chính sách ưu đãi đối với  DN đầu tư xây dựng, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay và quỹ đất sạch...

 

Bộ Xây dựng với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành xây dựng đã hoàn tất việc kiểm tra quỹ đất dành cho NOXH. Theo báo cáo của đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam làm trưởng đoàn, quỹ đất dành cho xây dựng NOXH còn thấp: TP Hồ Chí Minh là 7,8% so với diện tích đã được phê duyệt và Hà Nội là 2,3% diện tích đất ở. Nhiều dự án quy mô hơn 10 ha nhưng không dành 20% diện tích để xây dựng NOXH. Nhiều chủ đầu tư dự án chỉ tập trung giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho phần diện tích đất kinh doanh, còn diện tích bàn giao cho thành phố làm NOXH thường vướng trong việc giải phóng mặt bằng. Sau đó, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có những động thái tích cực. UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo kiểm điểm tiến độ triển khai xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở công nhân, nhà ở cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố sau bốn năm triển khai chương trình, tuy nhiên kết quả chưa như mong đợi. Theo đó, trong số 13.058 căn hộ cho người thu nhập thấp theo mục tiêu đề ra, chỉ mới làm xong và đưa vào sử dụng 1.146 căn hộ (8,7%). Tương tự, nhà ở dành cho công nhân cũng chỉ giải quyết được chỗ ở cho 8.800 công nhân (15,6%), nhà ở sinh viên mới đáp ứng được chỗ ở cho 2.950 sinh viên (6,7%). Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, trong số hơn 100 dự án NOXH, nhà giá thấp được đăng ký, đến nay mới có hai dự án đang xây dựng và bốn dự án xong phần thủ tục. Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án phát triển nhà nói trên chậm tiến độ là do thiếu vốn, chủ đầu tư chưa tập trung thực hiện. Ngoài ra, quỹ đất và thủ tục hành chính, cơ chế chính sách vướng mắc cũng là những rào cản đối với DN và người dân muốn tham gia chương trình này.

 

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn phát triển Nhà và Ðô thị (HUD) Nguyễn Ðăng Nam, cần thay đổi hình thức vay vốn đầu tư phát triển NOXH vì hiện nay muốn vay vẫn phải thế chấp tài sản, gây khó khăn cho DN. Phía các ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đều cho rằng, nên mở rộng hình thức cho vay vốn với tài sản thế chấp là các dự án sắp triển khai, đồng thời áp dụng cơ chế tín dụng hai chiều giữa người mua và ngân hàng. Ðây là giải pháp thúc đẩy thị trường NOXH phát triển. Một trong những bất cập hiện nay là việc bố trí vốn hằng năm. Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đầu tư và phát triển Nhà Hà Nội (Handico) cho biết, nhiều dự án của Tổng công ty đã thực hiện được khoảng 70% khối lượng, nhưng phải dừng do nguồn vốn ngân sách bố trí hằng năm chậm. Chẳng hạn như dự án khu sinh viên tại Mỹ Ðình do Handico làm chủ đầu tư và Tổng công ty Vinaconex làm nhà thầu đã được phê duyệt, bố trí vốn 1.400 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành hơn 70% công việc và được giải ngân gần 900 tỷ đồng. Tuy nhiên, hai năm nay, mỗi năm chỉ được giải ngân từ 140 đến 150 tỷ đồng, nên công trình vẫn chưa hoàn thành đưa vào sử dụng được. Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, với cơ chế chính sách như hiện nay chưa khuyến khích phát triển quỹ đất cho NOXH, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn quỹ đất của các địa phương, đồng thời thiết kế NOXH còn nhiều bất hợp lý, thừa không gian trên, chưa tiết kiệm, vì vậy giá thành của loại hình nhà ở này vẫn còn cao, khiến người dân khó tiếp cận.

 

Giải pháp tháo gỡ

 

Hướng đi được kỳ vọng sắp tới và đang được triển khai quyết liệt là phát triển Quỹ tiết kiệm nhà ở. Vừa qua, Bộ Xây dựng đã chính thức đề xuất Chính phủ hai mô hình Quỹ tiết kiệm nhà ở. Theo đó, mô hình thứ nhất là Quỹ tiết kiệm phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo tại đô thị vay để mua, thuê mua NOXH và DN trong nước được vay để đầu tư xây dựng NOXH. Nguồn vốn này được hình thành từ vốn hiện có của Quỹ phát triển nhà ở (bao gồm ít nhất 10% tiền thu được từ chuyển quyền sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở thương mại, ngân sách địa phương); lợi nhuận thu được từ phát hành xổ số kiến thiết... Hình thức tham gia quỹ là tự nguyện, không bắt buộc. Cá nhân, hộ gia đình tham gia cần đóng vào quỹ ít nhất khoảng 30% tổng số tiền dự kiến vay để mua, thuê mua NOXH với mức thấp nhất trong thời gian năm năm, mức tiền được vay thêm cao nhất bằng hai lần số tiền đã đóng vào quỹ. Thời gian trả nợ trong vòng 15 năm với mức lãi suất cho vay khoảng 6,5-8,5%/năm. Trường hợp người tham gia không có nhu cầu vay sẽ được quỹ thanh toán cả gốc và lãi ở mức lãi suất cao hơn lãi suất huy động ban đầu 2%/năm. DN có nhu cầu vay phải có dự án đầu tư xây dựng NOXH và đã có thiết kế kỹ thuật được phê duyệt. Số tiền được vay cao nhất bằng 50% tổng vốn đầu tư xây lắp của dự án NOXH (bao gồm cả chi phí trang thiết bị)... Mô hình thứ hai là thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở cho các cá nhân, hộ gia đình trong nước vay mua nhà ở thương mại, trong đó chủ yếu tập trung cho đối tượng có thu nhập từ trung bình trở lên vay. Việc huy động vốn, cơ chế cho vay, lãi suất huy động, lãi suất cho vay, cơ cấu tổ chức, cơ chế tài chính, nguyên tắc hoạt động của Quỹ tiết kiệm nhà ở do Thủ tướng quyết định. Dự kiến, Quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ vận hành đầu năm 2013, trước mắt áp dụng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Theo nhiều chuyên gia, việc thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở tuy muộn nhưng rất cần thiết, tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển, giảm lệ thuộc vào nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, cần  lưu ý đến việc quản lý, vận hành hiệu quả nguồn quỹ này, bảo đảm tính công khai, minh bạch để mọi đối tượng tham gia đều bình đẳng và được hưởng lợi từ mô hình này.

 

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Ðình Dũng cho rằng, hiện nay việc triển khai chương trình NOXH vẫn đang là điểm yếu, bước đầu có một số mô hình phát triển NOXH tương đối tốt ở các tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc... do có nguồn quỹ đất giá rẻ, tuy nhiên, phần lớn dự án tại các địa phương khác đều đang gặp khó khăn. Do vậy, các địa phương cần cụ thể hóa chiến lược phát triển loại hình nhà ở này và phải có lộ trình cụ thể, dài hạn, trong đó quan trọng nhất là tạo điều kiện  cho doanh nghiệp, cá nhân phát triển NOXH, có sự can thiệp của Nhà nước và sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ cũng đang nghiên cứu mô hình nhà cho thuê cùng các cơ chế, chính sách kèm theo để sớm đưa vào cuộc sống.

 

 

Theo Lê Xuân Thủy/ Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm