Cập nhật: 17/07/2009 22:19:28 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời gian qua, Lực lượng CSÐT tội phạm kinh tế đã chủ động điều tra xử lý 63.460 vụ, việc vi phạm và tội phạm về kinh tế; thiệt hại 10.087 tỷ đồng. Ðã khởi tố điều tra 5.830 vụ/12.183  bị can; xử lý hành chính 22.140 vụ; chuyển ngành khác xử lý 23.138 vụ; thu hồi cho ngân sách nhà nước 5.641 tỷ đồng.

Trước những diễn biến phức tạp của các loại tội phạm kinh tế, những năm qua, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế đã chủ động thực hiện các biện pháp công tác phòng ngừa như báo cáo Bộ Công an tham mưu cho Chính phủ đưa vào chương trình sửa đổi pháp luật những vấn đề liên quan tội phạm công nghệ cao, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, tội phạm môi trường và ban hành các văn bản pháp quy liên quan công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, như giải quyết tình trạng thương binh tham gia buôn lậu và vận chuyển hàng lậu, giải quyết những vấn đề nóng, tăng cường công tác đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Báo cáo cấp trên về những sơ hở thiếu sót trong hoạt động của các ngân hàng thương mại, về những tiêu cực trong ngành ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân, của các cơ quan bảo hiểm lợi dụng những sơ hở thiếu sót trong quản lý kinh tế, quản lý cán bộ để rút tiền chơi cá độ bóng đá, lô, đề; tình hình tiêu cực trong quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA... và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Kiến nghị các bộ, ngành, cấp ủy Ðảng và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả. Tham mưu cho Bộ Công an phối hợp các bộ, ngành tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 15 của Bộ Chính trị, Quyết định số 114 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu; xây dựng chỉ thị của Bộ Công an về việc tăng cường công tác đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu trong tình hình mới...

 

Phối hợp các bộ, ngành xây dựng các Thông tư liên tịch hướng dẫn phối hợp xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động XDCB; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các loại pháo; đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán... Tham mưu cho Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát phối hợp Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao; các bộ, tập đoàn kinh tế... ký và triển khai thực hiện nhiều quy chế phối hợp, biên bản ghi nhớ trong đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm và tội phạm kinh tế.

 

Cục đã tập trung hướng dẫn, chỉ đạo toàn lực lượng tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm trong các địa bàn, dự án kinh tế trọng điểm. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, hội nghị tổng kết công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm theo các chuyên đề lừa đảo; mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng; tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư - XDCB; tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, thị trường chứng khoán, kinh doanh vàng, ngoại tệ trên mạng, chống xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất và buôn bán hàng giả; chống lừa đảo trong xuất khẩu lao động, tội phạm công nghệ cao, tội phạm rửa tiền... Phối hợp Phòng  Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội nghị với các bộ, ngành, doanh nghiệp với chủ đề "Lực lượng CAND bảo vệ kinh tế trong quá trình hội nhập quốc tế". Mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, hàng giả, rửa tiền; phối hợp với các ngân hàng tập huấn cho nhân viên cách nhận biết tiền giả; các phương thức, thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao. Phối hợp các đơn vị trong ngành và các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên các ngành thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước; những chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về an ninh trật tự; những phương thức, thủ đoạn của tội phạm kinh tế. Công tác hợp tác quốc tế cũng có nhiều tiến bộ, qua đó đã phát hiện nhiều băng, nhóm tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm công nghệ cao để bắt giữ, điều tra, xử lý.

 

Từ thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế, rút ra một số bài học kinh nghiệm: Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của cấp ủy Ðảng và chính quyền các cấp. Ở địa phương nào mà cấp ủy Ðảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo và kiểm tra sát sao, có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng thì ở đó đạt kết quả tốt, tình hình vi phạm và tội phạm kinh tế được phát hiện và xử lý kịp thời. TTATXH được giữ vững và ổn định. Lực lượng CSÐT tội phạm kinh tế phải làm tốt công tác tham mưu cho Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an báo cáo Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy liên quan công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế. Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo công an địa phương tổ chức phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm kinh tế trong các địa bàn, dự án kinh tế trọng điểm. Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các ngành, các cấp, các doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 09/CP và Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, tạo thành thế trận liên hoàn trong phòng ngừa, tiến công trấn áp tội phạm. Chủ động dự báo và nắm chắc tình hình vi phạm và tội phạm kinh tế ở các địa bàn, tuyến, lĩnh vực trọng điểm... Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong cơ chế thị trường phát triển, cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng, thì công tác xây dựng lực lượng phải được đặt lên hàng đầu. Thường xuyên đổi mới lề lối, tác phong, phương pháp làm việc; xây dựng Ðảng bộ, chi bộ, đơn vị trong sạch, vững mạnh; CBCS phải là những người giỏi về chuyên môn nghiệp vụ và pháp luật, không bị mua chuộc, cám dỗ về vật chất, vi phạm phẩm chất, đạo đức người chiến sĩ CAND; thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động của ngành Công an như cuộc vận động: "Học tập 6 điều Bác Hồ dạy CAND", "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ"...

 

Trong những năm tới, tội phạm kinh tế có yếu tố nước ngoài hoặc liên quan nước ngoài, tội phạm tham nhũng, buôn lậu, trốn thuế, xâm phạm sở hữu trí tuệ, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động của các loại tội phạm kinh tế với phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn, mang mầu sắc quốc tế, có sự thông đồng giữa trong và ngoài nước với mức độ ngày càng cao và chặt chẽ hơn. Ðể chủ động phòng, chống tội phạm kinh tế, lực lượng CSÐT tội phạm kinh tế phải phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các văn bản pháp luật về quản lý kinh tế nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường với đa thành phần, đa chủ sở hữu. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung các điều luật, không để xảy ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự và ngược lại dẫn đến sót, lọt tội phạm, làm oan người vô tội. Nắm chắc tình hình vi phạm và tội phạm kinh tế ở các địa bàn, tuyến, lĩnh vực, ngành, hàng trọng điểm. Triển khai thực hiện có hiệu quả các mặt công tác để phát hiện, điều tra các vụ án kinh tế theo trình tự tố tụng, không để lọt tội phạm, nhưng không để xảy ra oan, sai; thu hồi tối đa tài sản đã bị thất thoát. Tập trung đấu tranh chống tội phạm kinh tế theo chuyên đề, đối tượng và mặt hàng trọng điểm; thường xuyên tổng kết các chuyên đề, các vụ án lớn đã điều tra để kịp thời rút kinh nghiệm có biện pháp đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Cùng các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, không để hình thành những tổ chức, đường dây tội phạm. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm giữ gìn TTATXH. Tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi thông tin về tội phạm kinh tế. Ðổi mới mối quan hệ phối hợp giữa lực lượng CSÐT tội phạm kinh tế với các cơ quan điều tra khác trong phát hiện, điều tra xử lý tội phạm kinh tế. Nâng cao công tác chỉ huy, chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn lực lượng ở cơ sở nhằm tạo khối đoàn kết thống nhất trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm kinh tế. Tiếp tục xây dựng Ðảng bộ, chi bộ và đơn vị trong sạch, vững mạnh và thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ"...

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm