Cập nhật: 15/08/2009 16:38:14 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Ủy ban LHQ về đấu tranh chống ma túy và tội phạm, hiện trên thế giới có gần 30 triệu người nghiện ma túy và gần 190 triệu người sử dụng cần sa.

Nguồn tài trợ cho các phong trào ly khai, cực đoan và khủng bố chủ yếu từ buôn lậu ma túy. Nạn nghiện ma túy tăng lên trở thành mối lo ngại chung của toàn thế giới. Hằng năm trên thế giới có khoảng 200 nghìn người chết do ma túy. Cộng đồng quốc tế đang tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến đối phó tệ nạn này.

 

LHQ  cho biết, Afghanistan là địa bàn sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Có tới 93% tổng lượng cây thuốc phiện trên thế giới được trồng tại đây. Khối lượng thuốc phiện hiện có ở Afghanistan đã vượt hơn 3.000 tấn. Theo số liệu của LHQ, cây anh túc được trồng đại trà ở 16 trong tổng số 34 tỉnh ở Afghanistan. Tính riêng tại tỉnh Hen-man, lượng heroin tinh khiết "xuất xưởng" hằng năm đã vượt "sản lượng" của Colombia, nơi xuất phát chính của nguồn thuốc phiện đổ vào Mỹ. Hiện Afghanistan đang sản xuất lượng heroin nhiều gấp hai lần so với lượng chế xuất của toàn thế giới mười năm trước. Theo dự báo của LHQ, chỉ riêng trong năm nay, chất heroin của Afghanistan sẽ hủy diệt 100 nghìn người trên thế giới.

 

Nhằm "chặn đứng" khả năng sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan, trong những năm qua, lực lượng quân sự Mỹ đã tiến hành nhiều đợt rải hóa chất triệt hại cây anh túc trên các đồn điền trồng cây thuốc phiện. Tuy nhiên, mới đây, Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan cho biết, kế hoạch rải hóa chất này đã chính thức chấm dứt vì không mang lại kết quả hữu hiệu. Trong khi đó, đại diện đặc biệt của Tổng thống Mỹ B.Obama  R.Hôn-brúc nêu rõ: "Ngày càng nhiều nông dân canh tác anh túc ở Afghanistan tỏ thái độ bất bình với chính sách của Lầu năm góc, nên quay sang... ủng hộ phiến quân Taliban, khiến vấn đề càng thêm nan giải".

 

 

Một trong những địa chỉ được các băng nhóm buôn lậu tuồn lượng lớn ma túy từ Afghanistan đến là nước Nga. Chất heroin từ Afghanistan vận chuyển đến lãnh thổ Nga theo cái gọi là "hành trình phương Bắc", thông qua các nước Trung Á. Gần đây, mức tiêu thụ heroin ở Nga đột ngột tăng cao. Gần một nửa lượng chất ma túy từ Afghanistan được tiêu thụ trên thị trường Nga. Giám đốc Cơ quan Liên bang Nga về kiểm soát lưu thông ma túy V.I-va-nốp cho biết, tại Nga hiện có khoảng 2,5 triệu người nghiện ma túy, hằng năm nạn ma túy cướp đi sinh mạng của khoảng 30 nghìn thanh niên ở nước này. Sự phát tán ma túy trở thành yếu tố phá hoại tiềm năng nhân khẩu, xã hội-kinh tế và quốc phòng của nước Nga. Xét về tỷ lệ dân cư bị cuốn vào vòng xoáy ma quái của nạn nghiện thuốc phiện, Nga vượt các quốc gia trong Liên hiệp châu Âu (EU) từ năm đến tám lần. Ông V.I-va-nốp khẳng định: "Ma túy không chỉ đầu độc con người, mà còn khiến gia tăng tội phạm có tổ chức và là cơ sở tài trợ khủng bố". Ông nêu rõ, chính những kẻ kinh doanh ma túy đang cấp tiền cho những tổ chức khủng bố đơn lẻ có sào huyệt tại khu vực thung lũng Phơ-gan-xcơ ở bắc Cáp-ca-dơ, như "Phong trào Hồi giáo Uzbekistan", "Hi-dbơ-út-ta-hia" và hàng loạt băng nhóm khác. Những tổ chức này gieo rắc căng thẳng tại khu vực và hệ quả là tại đây hoạt động khủng bố vẫn diễn ra không dứt. Ông V.I-va-nốp cho rằng, việc sản xuất ma túy ở Afghanistan là một nguy cơ đe dọa toàn cầu, ngang với khủng bố và cướp biển.

 

Ma túy từ Afghanistan không chỉ là mối đe dọa đối với Nga, mà châu Âu cũng là một địa chỉ lớn tiêu thụ thuốc phiện. Ma túy Afghanistan cũng lọt vào Trung Quốc, tới lãnh thổ Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Á. Trước tình trạng này, Nga đã kêu gọi các nước thuộc Hội đồng Bảo an LHQ quan tâm hơn nữa và cảnh báo rằng, việc sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan đang đe dọa an ninh thế giới, dẫn đến cái chết của hàng triệu nạn nhân. Ðể ngăn chặn tình trạng này cần sự nỗ lực hợp tác của tất cả các nước, trước hết là lực lượng đa quốc gia đang có mặt trên lãnh thổ Afghanistan.

 

Mới đây, Moscow đã thông qua đề án Khái niệm chính sách quốc gia về phòng, chống ma túy. Theo đó, Nga tập trung vào hai hướng chính. Thứ nhất, tăng cường các biện pháp nhằm triệt phá nguồn cung. Trong đó, đẩy mạnh sự hợp tác đã được bắt đầu giữa lực lượng đặc nhiệm của Nga với các lực lượng an ninh Afghanistan trong việc thủ tiêu nền công nghiệp ma túy ở nước Nam Á này. Thứ hai, đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực đấu tranh chống buôn lậu ma túy. Áp dụng những hình phạt nghiêm khắc, đủ sức răn đe đối với những kẻ buôn lậu lớn. Trong khi đó, với những người mới mắc nghiện, không liên quan các tội phạm nặng, thì áp dụng biện pháp trách nhiệm đối trọng và cần chữa trị cai nghiện cho họ. Ngoài ra, Nga cũng đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách di trú. Trong đó, lưu ý một thực tế là nạn thất nghiệp tại các nước cộng hòa nằm trên lộ trình trung chuyển ma túy ở Trung Á đã đẩy nhiều người di cư tham gia các băng nhóm buôn lậu ma túy.

 

Những tổ chức khu vực mà Nga là thành viên, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Tổ chức hiệp ước an ninh tập thể (OÐKB) đều quan tâm vấn đề chống buôn lậu ma túy. Các chủ đề liên quan vấn đề này được đưa ra thảo luận tại các hội nghị cấp cao của SCO và OÐKB. Sáu năm gần đây cơ chế truy lùng khẩn cấp của OÐKB đã hoạt động hiệu quả, phát hiện và triệt phá nhiều kênh cung cấp ma túy từ Afghanistan sang châu Âu. Trong đó, hàng chục tấn ma túy đã bị phát hiện và thu giữ. Tổng thư ký OÐKB N.Bô-điu-gia cho biết, nhằm chặn đứng khả năng điều chế các chất ma túy ở Afghanistan, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của OÐKB là phát hiện và tiêu diệt các kênh cung cấp chất phụ liệu để sản xuất ma túy ở nước Nam Á này.

 

Cuộc chiến chống buôn lậu ma túy cũng trở nên căng thẳng ở Tây bán cầu. Mexico đang triển khai chiến dịch lớn trấn áp các băng đảng ma túy với khoảng 45 nghìn binh sĩ và hàng chục nghìn cảnh sát liên bang được huy động. Cuối tháng 7 vừa qua, chính quyền Mexico đã tăng cường thêm 1.000 cảnh sát tới bang Mi-chô-a-can, nhằm truy quét băng đảng tội phạm ma túy "La Familia" khét tiếng. Trước đó, các tay súng thuộc băng nhóm "La Familia" đã bắn chết 30 người, trong đó có thị trưởng TP Na-mi-qui-pa và ít nhất 12 sĩ quan cảnh sát. Ước tính trong hơn hai năm qua, tại Mexico có gần 10 nghìn người chết trong các vụ bạo lực liên quan đến ma túy.

 

Mỹ đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ của Tổng thống Felipe Calderon ở Mexico trong việc trấn áp các băng đảng ma túy. Theo đó, Mỹ sẽ thành lập một quỹ trị giá 1,4 tỷ USD nhằm giúp quốc gia láng giềng này đào tạo và trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát để đối phó các băng đảng ma túy. Trong một cuộc truy quét buôn lậu ma túy mới đây, hải quân Mexico đã bắt giữ một tàu chở hàng mang theo gần một tấn chất ma túy cocain nhồi trong cá mập đông lạnh đang trên đường từ Cô-xta Ri-ca tới Mexico.

 

 Sự hợp tác giữa các nước Mỹ la-tinh nhằm chống buôn lậu ma túy cũng được tăng cường. Tại Panama, mới đây diễn ra cuộc gặp cấp cao ba nước Mexico, Colombia và Panama, thảo luận các biện pháp hợp tác chống tội phạm có tổ chức và buôn lậu ma túy, tăng cường trao đổi thông tin giữa ba nước và trong khu vực Mỹ la-tinh, thành lập mặt trận khu vực và châu lục chống tội phạm. Các nhà lãnh đạo ba nước cho rằng, Mỹ la-tinh đang đứng trước thời cơ lịch sử để đánh bại tội phạm xuyên quốc gia, vốn đe dọa sự phát triển của các quốc gia trong khu vực và nhấn mạnh đã đến lúc phải tăng cường các thể chế dân chủ, cải tiến luật pháp, nhất là phải xây dựng một mặt trận rộng rãi trong khu vực và châu lục quyết chiến với tội phạm có tổ chức. Một thành tích của Colombia trong cuộc chiến chống buôn lậu ma túy là mới đây cảnh sát nước này đã bắt giữ trùm buôn lậu ma túy khét tiếng bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới, Ða-ni-en Rên-đôn Ê-rê-ra, có biệt danh là Quý ngài Ma-ri-ô. Rên-đôn, 43 tuổi, hiện bị cáo buộc tuồn hơn 100 tấn cocain vào Mỹ và có liên quan ít nhất 3.000 vụ giết người.

 

Theo Văn phòng LHQ về ma túy và tội phạm (UNODC), Canada đang trở thành trung tâm sản xuất và vận chuyển ma túy lớn trên thế giới, là nguồn cung cấp ma túy tổng hợp quan trọng cho Bắc Mỹ và nhiều khu vực khác. Mới đây, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm chống ma túy ở TP Toronto (Canada) đã thu giữ khoảng 140 kg heroin chất lượng cao, trị giá khoảng 50 triệu USD và bắt giữ ba đối tượng liên quan. Cảnh sát cho biết phần lớn số ma túy buôn lậu vào Canada được trồng tại Afghanistan.

 

Theo UNODC, trong chiến lược phòng, chống ma túy, cần lưu ý bốn cách tiếp cận. Thứ nhất, phải coi việc sử dụng ma túy như là một căn bệnh, những người nghiện ma túy cần sự giúp đỡ về y tế chứ không phải là những biện pháp xử lý hình sự. Thứ hai, phải chấm dứt tình trạng buông lỏng kiểm soát, vì ma túy thường được trồng, sản xuất và tiêu thụ tại những nơi luật pháp bị lơ là. Thứ ba, cần phải thực thi các hiệp định quốc tế chống tội phạm có tổ chức. Cuối cùng là tăng cường hiệu lực cưỡng chế luật pháp. UNODC đã phát động một chiến dịch quốc tế nhằm nâng cao nhận thức về những thách thức lớn mà buôn bán và sử dụng ma túy gây ra đối với toàn xã hội, nhất là giới trẻ. Mục tiêu của chiến dịch là huy động sự ủng hộ và động viên mọi người cùng hành động chống ma túy, giáo dục thanh niên đặt sức khỏe lên ưu tiên hàng đầu và không sử dụng ma túy.

 

Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun khẳng định có thể ngăn ngừa, cai nghiện và kiểm soát tình trạng lạm dụng ma túy, đồng thời kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kể cả việc đưa hoạt động cai nghiện ma túy vào chương trình y tế công cộng. Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thực thi đầy đủ Công ước LHQ chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước LHQ về chống tham nhũng, ông cho rằng, hai công cụ này có thể góp phần vào nỗ lực nhằm ngăn chặn và kiểm soát hoạt động tội phạm liên quan ma túy đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng về an ninh tại nhiều nước trên thế giới.

 

 

Theo ND

Tệp đính kèm