Đổi gas, được ưu đãi giá, được nhận quà khuyến mại... nhưng hóa ra lại mua phải bình gas thiếu cân.
Đọc tờ rơi một cửa hàng gas khuyến mại bột giặt Omo kèm 2 bát thủy tinh cao cấp khi đổi bình gas, Trần Minh Thắng (SV K53 Địa chất - Đại học Mỏ địa chất, Hà Nội) đã gọi điện tới cửa hàng này để đổi khi hết gas.
Tuy nhiên, bình gas 12 kg kèm quà khuyến mại chỉ dùng 1 tháng 10 ngày đã hết trong khi bình thường phải dùng tới gần 3 tháng. Thắng bức xúc: “Khi em gọi đến cửa hàng gas, người ta giải thích là bị hở van. Họ cử nhân viên đến thay van hết hơn 100.000 đồng. Đến tháng sau vẫn bình gas của cửa hàng ấy lại dùng được hơn 3 tháng”.
Tiếp xúc với Trần Văn T. - một người có kinh nghiệm trong kinh doanh gas, anh T. tiết lộ: nhiều cửa hàng gas khuyến mại cho khách hàng nhưng bán gas thiếu cân chứ ít khi có chuyện hở van vì hở van bình gas là rất nguy hiểm.
Theo lý giải của anh T.: 13-14 kg là trọng lượng của vỏ bình, khi nạp đầy 12 kg gas, tổng trọng lượng bình gas là 25-26 kg. Tuy nhiên, khi đến tay người dùng, hầu hết trọng lượng gas đều không đạt con số 12 kg. Để ăn gian trọng lượng gas, người bán chỉ việc nạp vật nặng hơn gas vào bình, rồi mới nạp gas. Vật nặng để “đắp” vào phần gas bị thiếu, theo tiết lộ của anh T. là nước, bột đao và... bột đá. “Cho khách hàng cân kéo thoải mái, vẫn đảm bảo đủ 12 kg gas trong bình”, anh T. nói. Anh này còn tiết lộ thêm, không chỉ có gas khuyến mại mới bị thiếu cân mà gas mua bình thường cũng có thể bị thiếu bởi chiêu ăn gian gas này.
"Một bình gas, lấy tại công ty gas đã có giá 180.000 đồng, bán ra hơn 200.000 đồng/bình. trừ chi phí xăng xe vận chuyển, lại thêm khoản khuyến mại, không dùng “mánh” có mà... chết", một chủ cửa hàng kinh doanh gas tiết lộ. Trên thực tế, bình gas có thương hiệu của các công ty lớn thường không bị thiếu khi được xuất ra từ công ty. Tuy nhiên, khi bình gas này được chuyển về cho người kinh doanh thì họ tự sang chiết 1 bình 12 kg thành 2 bình rồi... khuyến mại.
Chủ một cơ sở kinh doanh gas tại Cổ Nhuế đưa ra lời khuyên, không nên ham khuyến mại cao mà đổi bình gas vì rất có thể rơi vào bẫy, đổi được bình gas có trọng lượng gas thực chỉ từ 6-8 kg. Nếu tính kỹ, cộng cả quà khuyến mại với thiệt hại do gas bị thiếu thì người mua vẫn bị mua với giá đắt. Những đối tượng thường bị "sập bẫy" bởi chiêu khuyến mại gas này chủ yếu là những người có thu nhập trung bình, trong đó có không ít người hiện là sinh viên - ham của rẻ và khuyến mại lớn.
Anh này còn bật mí, trường hợp thay van và đổi bình gas để có thể dùng được lâu hơn là chiêu biến khách hàng "một lần" thành khách hàng "ruột". Khách “một lần” hầu hết phải dùng gas thiếu cân, gas bị nạp nước. Nhưng khi đã trở thành khách “ruột” thì bình gas sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, việc mua bình gas bị thiếu còn đỡ hơn việc mua phải gas lậu của các cơ sở tư nhân. Trong khi các bình gas có thương hiệu đều in logo dập chìm trên vỏ, tai và dưới sát chân bình thì gas lậu không có những logo này. Bằng thủ thuật cắt “tai”, mài, gò hàn, lắp “tai” mới... từ những bình gas cũ của các hãng lớn, những người kinh doanh gas lậu vẫn có những bình gas không khác gì so với các bình gas có thương hiệu. Tuy nhiên, do đã bị cắt "tai", mài mỏng, độ an toàn của bình là không đảm bảo, không an toàn cho người sử dụng. Chưa hết, gas được làm lậu từ A đến Z nên rất khó để kiểm định nguồn gốc khí gas. “Thay vì nạp gas sạch, một vài điểm kinh doanh gas lậu lại nạp gas từ phân bò, lợn (biogas) nên gas bốc yếu, hao gas, lửa đỏ, khí có mùi khó ngửi”, chủ cơ sở kinh doanh gas tại Cổ Nhuế tiết lộ.
Báo Thanh Niên