Cập nhật: 27/03/2012 16:27:53 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời kỳ trước năm 2007, ở Hà Giang tình trạng bắt cóc trẻ em đem qua biên giới bán diễn biến khá phức tạp. Sau khi bị lực lượng bộ đội biên phòng phối hợp các tổ chức, đoàn thể triệt phá mạnh, các đối tượng lại chuyển sang bắt cóc, lừa đảo phụ nữ để bán qua biên giới với nhiều hình thức tinh vi, xảo quyệt hơn, nhất là qua hệ thống chát trên in-tơ-nét.

Vượt qua cổng trời Quản Bạ (Hà Giang), chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Bạch Đích, nơi được Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang đánh giá là một trong những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biên giới, ngăn chặn và triệt phá được nhiều vụ án mua bán phụ nữ qua biên giới thời gian qua. Để giúp chúng tôi hiểu được công việc của Đồn, các đồng chí Lê Văn Hợp, Nguyễn Khương Thủy đưa chúng tôi đến thăm chợ Bạch Đích, nơi giáp ranh giữa nước ta và Trung Quốc. Ần tượng với chúng tôi là những lời chào, lời mời đến nhà chơi của bà con đối với Bộ đội Biên phòng thật gần gũi, như người thân trong gia đình.

 

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Lý Thị Sinh, 44 tuổi, dân tộc Dao, ở thôn Phú Tỷ I, xã Na Khê, huyện Yên Minh hết lời cảm ơn các đồng chí Bộ đội Biên phòng Đồn Bạch Đích. Chị kể: Tôi có người cháu dâu tên là Cháng Thị Máy, sinh được hai con là Lý Deo Ằn (bốn tuổi) và Lý Thị Vằn (sáu tuổi). Đầu năm 2011, cháu bị dụ dỗ bỏ chồng qua bên Trung Quốc lấy chồng khác và giấu gia đình mang theo hai con nhỏ. Sợ hai cháu qua đó sẽ bị bán cho người khác, tôi đã báo đồn biên phòng, và được tạo điều kiện cho qua Trung Quốc tìm hiểu thông tin. Sau khi biết hai cháu mình còn đang ở vùng sát biên, tôi liền trở về liên hệ với cán bộ đồn và nhờ các lực lượng chức năng nước bạn, hai cháu được đưa về nước an toàn.

 

Gặp chúng tôi tại Đồn Biên phòng Bạch Đích, chị Vàng Thị Say (17 tuổi), dân tộc Mông, sống tại xóm Sủng Pờ, xã Thắng Mố, huyện Yên Minh còn chưa hết bàng hoàng khi kể lại câu chuyện mình bị bắt cóc đưa qua bên kia biên giới. Đó là một ngày cuối năm 2011, khi chị cùng mẹ đi cắt cỏ ở sát vùng biên, có hai đối tượng lạ mặt, đầu cắt cua, theo bà con nhận định đó là người Mông Hoa, tay cầm hung khí khống chế hai mẹ con. Chị Say bị bắt qua biên giới, giam giữ tại một huyện thuộc tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Được nhân dân báo tin, một mặt Đồn Biên phòng Bạch Đích bố trí lực lượng đi điều tra thông tin, mặt khác gửi ảnh và viết thư cho trạm công tác Biên phòng Giàng Vảng, huyện Ma-ni-pho (Trung Quốc) phối hợp truy bắt. Bằng công tác nghiệp vụ và sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên, chỉ trong thời gian ngắn chị Say đã được đưa về đoàn tụ gia đình.

 

Trong một sự việc khác, tháng 10-2010, chị Hầu Thị Chở 34 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Khau Nhang, xã Mậu Long, huyện Yên Minh, bị Hầu Sáo Sình phối hợp vợ chồng Hầu Nhè Thò bán sang Trung Quốc được 9.000 nhân dân tệ. Số tiền trên Sình chia cho vợ, chồng Thò mười triệu đồng. Nhận được thông tin của quần chúng, lãnh đạo Đồn Biên phòng Bạch Đích đã khẩn trương điều tra nắm bắt thông tin và thông báo cho phía Trung Quốc phối hợp truy bắt. Mẹ con chị Chở đã được giải cứu.

 

Giở tập hồ sơ ghi chép các vụ án do cán bộ, chiến sĩ của Đồn phối hợp các cơ quan chức năng trong nước và nước bạn Trung Quốc giúp đỡ, chúng tôi thấy còn khá nhiều vụ, mỗi vụ có những thủ đoạn khác nhau. Đại úy Lê Việt Phong, Chính trị viên phó Đồn cho biết: Đồn Biên phòng Bạch Đích được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 25,841 km đường biên giới với 41 cột mốc, trong đó có 35 cột mốc chính, sáu cột mốc phụ và còn một số con đường mòn khác. Lợi dụng các hình thức thăm thân, buôn bán, du lịch, các đối tượng ở các tỉnh, thành phố phía bắc sau khi dụ dỗ được "con mồi" dễ dàng thông qua hộ chiếu du lịch đưa người qua bên kia biên giới bán. Đây là vấn đề rất khó khăn đối với chúng tôi, vì họ có giấy tờ đầy đủ không thể không cho qua. Để đấu tranh có hiệu quả đối với loại tội phạm này, ngoài việc chủ động phối hợp các đồn đường biên và các lực lượng chức năng nước bạn, Đồn Biên phòng Bạch Đích thường xuyên cử các cán bộ, chiến sĩ xuống từng bản nắm tình hình đối tượng; phối hợp địa phương và các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động phong trào Toàn dân đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; chủ động làm tốt công tác đối ngoại, kịp thời phối hợp điều tra các vụ án, giải cứu nạn nhân, truy bắt tội phạm... giữ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, cùng nhau xây dựng vùng biên giới ổn định và phát triển.

 

 

Bài và ảnh: TRỊNH SƠN

Báo Nhandan online

 

Tệp đính kèm