Cho ý kiến vào Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua (10/4) phần lớn ý kiến đồng tình với việc tăng mức phạt tiền và phạt cao trong một số lĩnh vực ở các thành phố lớn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân vân về việc giao thẩm quyền cho ai và tịch thu những loại phương tiện nào khi VPHC.
“Việc của người dân để người dân quyết”
Theo đề xuất của Chính phủ, mức XPVPHC đã tăng hơn so với quy định của Pháp lệnh hiện hành. Cụ thể từ 50 ngàn đồng đến 1 tỷ đồng đối với cá nhân, đến 2 tỷ đối với tổ chức, trừ trường hợp quy định tại luật khác. Việc phân định này theo Ủy ban Pháp luật là hợp lý vì tổ chức thì không bị xử lý hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đồng tình với việc phân biệt 2 mức phạt; tuy nhiên ông cho rằng trong nhiều trường hợp tổ chức vi phạm, phạt gấp đôi so với cá nhân (2 tỷ đồng) là chưa “thấm tháp” gì. “Phạt như thế lần sau tái phạm lại nguy hiểm hơn cả lần trước”. Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Hằng cũng chung băn khoăn này “tổ chức VPHC có ảnh hưởng trên phạm vi rộng hơn, mức độ nguy hiểm hơn. “Cần mở thêm một số trường hợp đặc biệt có thể bị phạt cao hơn 2 tỷ đồng”, ông Hằng đề xuất.
Về quy định mức phạt tiền cao hơn trong lĩnh vực giao thông, môi trường, quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương, nhiều ý kiến tán thành như đề xuất của Chính phủ (mức phạt tiền cao hơn nhưng tối đa không quá hai lần mức phạt tiền chung được áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm). Tuy nhiên, tại phiên họp, một số ý kiến đề nghị nên mở rộng hơn đến một số lĩnh vực khác như an ninh trật tự, bạo hành gia đình…
Riêng về thẩm quyền quy định mức phạt tiền cao hơn, theo Ủy ban Pháp luật thì nên giao Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất giữa các địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn có ý kiến đề nghị giao HĐND thành phố trực thuộc trung ương quy định mức phạt tiền cao hơn nhằm bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
“Luật đã quy định khung rồi thì nên giao HĐND quy định cụ thể. Việc của người dân nên để người dân quyết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bày tỏ. Ủng hộ chủ trương phạt cao ở các thành phố lớn, Chủ tịch cũng gợi ý có thể mở rộng thêm ở các đô thị loại I nhưng với các mức phạt theo từng khung khác nhau.
Tịch thu với phương tiện nào?
Dự thảo Luật do Chính phủ trình quy định: Đối với tang vật, phương tiện bị chiếm đoạt để vi phạm hành chính thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Tại Phiên họp thứ 5 (tháng 1/2012) của UBTVQH, có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với trường hợp tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép để VPHC cũng được trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp bởi trong trường hợp này người sử dụng hợp pháp không có lỗi và họ không phải chịu trách nhiệm về vi phạm do người khác gây ra.
Do đó, nếu tịch thu tang vật, phương tiện bị sử dụng trái phép sẽ làm phương hại đến quyền sở hữu hợp pháp của cá nhân, tổ chức được Hiến pháp, pháp luật quy định, đồng thời làm ảnh hưởng đến các quan hệ xã hội khác (cho mượn, cho thuê tài sản). Hơn nữa, quy định của dự thảo Luật cũng không thống nhất với Bộ luật Hình sự.
Lấy ví dụ một chiếc xe để bên đường bị trộm lấy mất, rồi sử dụng vào việc đua xe trái phép, cứ như dự thảo Luật thì chiếc xe đó sẽ bị tịch thu, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện khẳng định: “Nếu chủ phương tiện không có lỗi thì phải trả lại cho họ. Cái gì là nguyên tắc hiến định thì phải được tôn trọng”. Một số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với ông Hiện và cho rằng, nếu không chứng minh được chủ phương tiện có lỗi thì không nên tịch thu phương tiện của họ. Chỉ trường hợp họ biết việc giao cho người khác để họ dùng phương tiện đó phạm tội thì mới nên tịch thu.
Lý giải thêm về vấn đề này, Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: Những quy định hiện hành đã dẫn đến sự lạm dụng trong việc dùng phương tiện của người khác để VPHC. “Cùng một vụ đua xe mà người này bị tịch thu, người khác không tạo nên sự bất bình đẳng”, Thứ trưởng Liên nhấn mạnh và cho biết với phương án Chính phủ trình vẫn đảm bảo nguyên tắc người chủ sở hữu không có lỗi thì không bị tịch thu phương tiện nhưng chỉ quy định ở phạm vi hẹp hơn (bị chiếm đoạt để vi phạm).
Phát biểu kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu lưu ý: “Phải nhất quán giữa các văn bản pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự. VPHC mà xử lý nặng hơn cả hình sự là không đúng về chính sách”. Phó Chủ tịch cũng gợi mở “Trường hợp không tịch thu có thể buộc phải nộp phạt thêm một khoản tiền”.
Theo Thu Hằng/Báo điện tử PLVN