Cập nhật: 27/05/2009 22:13:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ GD - ĐT đã điều chỉnh một số nội dung của đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT. Theo đó, học phí sẽ tăng dần theo từng năm. Đến năm 2014, học phí ĐH sẽ lên đến mức cao nhất trong khung học phí mới.

Tại Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của đại diện các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ trong cả nước cho dự thảo Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong GD-ĐT giai đoạn 2009 - 2014, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh một số nội dung của đề án, theo đó, quy định việc học phí tăng dần theo từng năm.

 

Bộ GD - ĐT đã điều chỉnh một số nội dung của đề án khác với đề án được báo cáo trong phiên họp của UBTV Quốc hội, tờ trình Quốc hội sẽ không đưa ra khung học phí có biên độ lớn, mà quy định việc học phí tăng dần theo từng năm. Đến năm 2014, học phí ĐH sẽ lên đến mức cao nhất trong khung học phí mới.

 

Theo đề án, riêng năm học 2009 - 2010, trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí theo đề án từ năm 2010 - 2014, học phí đào tạo đối với GD nghề nghiệp từ bậc sơ cấp đến bậc trung cấp, CĐ và ĐH sẽ tăng bằng 50% mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000, tức là tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng.

 

Lý giải về việc điều chỉnh này, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả nguồn lực của đất nước huy động cho GD-ĐT vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý trong hệ thống giáo dục. “Cả nước hiện có 1,7 triệu sinh viên ĐH, CĐ thì đã có 47% được vay, trong khi tỷ lệ hộ nghèo cả nước không quá 15%. Giải pháp nhân văn này giúp không một sinh viên nào đỗ ĐH, CĐ, trung cấp, đào tạo nghề mà phải bỏ học vì không có điều kiện đóng học phí” - ông Nhân khẳng định.

 

Đối với mức học phí của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Đề án đề xuất mức chi trả cho việc học so với thu nhập của hộ gia đình không quá 6% thì việc chi trả đó được coi là khả thi, không gây gánh nặng tài chính cho gia đình.

 

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM cho rằng, đổi mới như nội dung đề án đề xuất là yêu cầu bức thiết, nếu những người có trách nhiệm không quan tâm, không phê duyệt đề án thì chất lượng hệ thống giáo dục khó phát triển như mong muốn.

 

Bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, kiêm đại biểu Quốc hội khóa XII cũng bày tỏ sự ủng hộ với đề án bằng cách đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội được triển khai thí điểm đề án đổi mới cơ chế tài chính. “Không thể nào duy trì học phí như hiện nay, bởi nó quá thấp. Đã vậy, từ năm 2004, các trường phổ thông phải chi 40% học phí cho quỹ lương. Phần còn lại rất ít ỏi, gây nhiều khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ việc dạy học trong nhà trường. Từ đó, phát sinh ra nhiều khoản thu không có trong quy định, gây thắc mắc cho phụ huynh học sinh” – bà Nga nói.

 

Cũng theo bà Nga, ở bậc ĐH, với mức học phí quá thấp là 180.000 đồng thì có thể tăng thêm 20-30% trong năm học tới. Tiếp đó, mỗi năm tăng thêm 20-30% thì người dân sẽ chịu đựng được.

 

GS. TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Từ năm 2008, trường ĐH Ngoại thương không được cấp chi thường xuyên mà phải tự chủ tài chính. Riêng khoản lương, trường phải chi 20 tỷ đồng. Nếu đề án được Quốc hội thông qua, học phí (mức 255.000 đồng/ tháng/sinh viên) thực thu của trường sẽ chỉ 18 tỷ đồng. Vì vậy, để học phí đủ chi cho tiền lương, chúng tôi vẫn phải thu 290.000 đồng/tháng/sinh viên, đó còn chưa nói đến việc nâng cao chất lượng”./.

 

 

 

 

Báo TNVN

 

Tệp đính kèm