(Để sớm đưa kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện NQTƯ 2 Khóa VIII, phương hướng phát triển GD-ĐT đến năm 2020 vào cuộc sống, Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thành một chương trình hành động với nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Những điểm then chốt đã được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khi trình bày dự thảo của chương trình này tuần vừa qua…
Khuyến khích tinh thần tự học
Theo dự thảo Chương trình hành động, việc tiếp tục đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục chính là giải pháp quyết liệt của Bộ để nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đại trà chương trình giáo dục mầm non mới, trong đó chú trọng phổ cập mẫu giáo 5 tuổi nhằm chuẩn bị các kỹ năng cần thiết, nhất là tiếng Việt đối với trẻ em người dân tộc. Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy các môn như ngữ văn, lịch sử, địa lý, đạo đức, giáo dục công dân; khuyến khích tinh thần tự học và ý thức sáng tạo của học sinh, giảm yêu cầu học thuộc lòng máy móc, nhớ nhiều sự kiện… Về tình trạng bỏ học, Bộ trưởng cũng cho biết, các giải pháp đã và đang thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt, năm học vừa qua số học sinh bỏ học đã giảm 40% so với năm trước.
Nhằm điều chỉnh, khắc phục những bất hợp lý về chương trình, những sai sót của sách giáo khoa bấy lâu mà dư luận đề cập, việc tổ chức rà soát, đánh giá toàn diện sẽ được thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ khẳng định việc in sách giáo khoa phổ thông được tổ chức đấu thầu rộng rãi, tạo kênh phát hành nhanh nhất để sách đến tay học sinh, không để tình trạng sốt sách, trống sách ở bất cứ nơi nào. Mặc dù về cơ bản, sách và chương trình phổ thông hiện nay được giữ ổn định đến năm 2015, song bắt đầu ngay từ năm 2010 sách và chương trình sẽ được xây dựng, biên soạn theo hướng mới để triển khai áp dụng trong giai đoạn 2016-2020.
Biến điểm yếu thành thế mạnh
Giáo dục ĐH vẫn là điểm nhấn theo hướng tiếp tục đổi mới cơ bản và toàn diện. Chương trình hành động lần này đã lưu ý tới việc phải hoàn thiện việc phân chia các chương trình đào tạo theo 2 hướng, cho các trường thiên về nghiên cứu và các trường nghiêng về nghề nghiệp ứng dụng (70 -80% SV học chương trình ứng dụng nghề nghiệp, 20-30% SV học chương trình nghiên cứu). Đến năm 2010, các trường ĐH, CĐ về cơ bản chuyển sang tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ… Một trong những hạn chế lớn nhất của ngành giáo dục trong thời gian qua, được đề cập lần này là thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội chưa tốt. Lý do quan trọng được những người trong cuộc đưa ra là chúng ta chưa có các cơ quan dự báo về nhu cầu xã hội, các trường chủ yếu vẫn đào tạo theo khả năng, chưa đáp ứng điều xã hội cần. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Thống kê ở một số trường cho thấy, có trường chỉ có 30-40% SV sau khi tốt nghiệp có việc làm, thế nhưng trường vẫn cứ tiếp tục đào tạo theo hướng cũ”.
Trong Chương trình hành động, Đề án đào tạo theo nhu cầu xã hội giai đoạn 2009-2015 đã được nhấn mạnh cùng với các yêu cầu phải theo dõi việc triển khai các hợp đồng đào tạo đã được ký kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp. Một hội đồng hiệu trưởng các trường ĐH theo nhóm ngành nghề sẽ được thành lập để phối hợp, liên kết thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp khi tốt nghiệp, xây dựng chương trình khung, đánh giá chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình và chia sẻ nguồn lực, gắn kết với các doanh nghiệp trong đào tạo thực hành và cung cấp nhân lực… Các cơ sở đào tạo thực hiện ba công khai, công bố chuẩn năng lực nghề nghiệp khi tốt nghiệp. Thông qua ba công khai, gồm chất lượng đào tạo, các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, thu chi tài chính, người học và xã hội có thể giám sát, đánh giá các cơ sở giáo dục.
Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, bên cạnh những mặt còn hạn chế, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra một dẫn chứng khá thời sự: Đầu mùa vải năm nay, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội đã kết hợp với các hộ trồng vải ở Bắc Giang, nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật để lùi thời điểm quả chín, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng vải. Những thành công như vậy được hy vọng là sẽ ngày càng nhiều hơn với Đề án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và các doanh nghiệp được nói tới trong Chương trình hành động. Hỗ trợ đề án này là việc xây dựng chợ thiết bị, công nghệ trên mạng nhằm giới thiệu các sản phẩm khoa học, công nghệ của các trường ĐH, CĐ…
Ngoại ngữ, vốn là điểm yếu cố hữu của HS, SV Việt Nam đã nằm trong đích ngắm của chương trình với Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Cùng với Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân hy vọng vào năm 2020, ngoại ngữ và tin học sẽ trở thành thế mạnh của người Việt Nam.
Theo HNM