Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sắp tới, học nghề sẽ có đào tạo ở bậc đại học. Ông Dương Đức Lân - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề trao đổi quanh vấn đề này.
Thưa ông, điều học sinh quan tâm là chất lượng các trường nghề hiện nay có đảm bảo không? Làm sao để người học có thể chọn được một trường nghề chất lượng?
Hiện, trong hệ thống đào tạo nghề có 102 trường cao đẳng nghề; 265 trường trung cấp nghề và 850 trung tâm dạy nghề trên khắp cả nước. Ngoài ra, còn khoảng 1.000 cơ sở đào tạo nghề thuộc các trường đại học (ĐH, cao đẳng (CĐ), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung tâm hướng nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên...
Năm 2009, hệ thống này đang đào tạo và cung cấp cho thị trường khoảng 1,6 triệu lao động. Các trường nghề này đang đào tạo 301 nghề trình độ cao đẳng và 385 nghề trình độ trung cấp.
Hiện nay, Tổng cục Dạy nghề đang xúc tiến việc kiểm định chất lượng các trường nghề. Năm 2008, Cục đã thí điểm kiểm định 15 trường, trong đó phần lớn là trường CĐ nghề công lập. Kết quả, đã có 9 trường được công nhận đảm bảo chất lượng.
Năm nay, chúng tôi vẫn tiếp tục khuyến khích các trường, trong đó có các trường tư thục, tham gia kiểm định. Kết quả kiểm định sẽ được công bố công khai để người học biết và lựa chọn.
Đối với những trường chưa có kiểm định, việc quản lý chất lượng dựa trên một số tiêu chí như: giáo viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất...; trong đó, yêu cầu số lượng sinh viên/giáo viên phải nhỏ hơn hoặc bằng 20 sinh viên/giảng viên.
Trong khi chúng ta vẫn kêu “thừa thầy thiếu thợ” nhưng thực tế có học sinh học nghề ra trường vẫn khó kiếm được việc làm. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?
Chuyện tìm việc làm đối với học sinh học tốt nghiệp các trường nghề là không khó. Nếu học sinh học nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo ngắn hạn thì có thể còn hạn chế. Nhưng với học sinh học nghề ở trình độ trung cấp và dài hạn thì rất dễ kiếm việc làm.
Theo thông tin mà các bộ, ngành cung cấp, hầu như học sinh học tại các trường trung cấp và trường CĐ nghề (sẽ tốt nghiệp vào năm 2010) đã và sẽ có việc làm 100%, bởi hiện nay, nhu cầu xã hội đang rất cần những người thợ có trình độ cao. Tuy nhiên, tùy từng trình độ, từng nghề sẽ có các mức lương khác nhau.
Hiện nay, có những nghề mà khi học sinh tốt nghiệp đã có mức lương 8 triệu đồng/tháng như nghề hàn 6G (6G là một chứng chỉ quốc tế được cấp tại một số trường CĐ nghề hiện nay).
Thưa ông, vì sao học sinh học nghề chưa được học liên thông sang hệ thống các trường TCCN, CĐ, ĐH, trong khi hệ thống đào tạo nghề chỉ có đến bậc CĐ. Vậy làm thế nào để họ có thể học lên cao hơn?
Việc học lên các bậc học cao hơn là mong muốn của rất nhiều học sinh học nghề. Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang cùng Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình liên thông và chúng tôi hy vọng sẽ được sớm thống nhất, triển khai.
Chúng tôi cũng đang trình Thủ tướng Chính phủ đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020”. Theo đó, khoảng năm 2011 sẽ có đào tạo nghề ở bậc ĐH. Học viên sau khi tốt nghiệp sẽ có bằng kỹ sư thực hành.
Hiện nay, rất nhiều quốc gia muốn tuyển lao động kỹ thuật có chứng chỉ cấp quốc gia. Nếu có bằng ĐH cấp quốc gia về dạy nghề, việc đưa người học nghề đi xuất khẩu lao động sẽ dễ dàng hơn.
Hơn nữa, tại các nước đều có bậc kỹ sư thực hành nên việc có thêm bằng cấp này sẽ giúp ta tiến gần hơn với thị trường lao động thế giới.
Theo Thanh Niên Online