Không ai phủ nhận, mỗi một ngành đều có một ngày của riêng mình. Nhưng có một ngày lại không những chỉ dành riêng cho một ngành nghề mà còn được cả xã hội tôn vinh, đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam! Đó không phải là kết luận chủ quan mà được rút ra từ những bằng chứng sống động nhất.
Thử hỏi có ngày vui nào đường phố, xóm thôn nhiều hoa tươi bằng ngày 20 tháng 11? Những ai được nhận nhiều lời chúc tụng nhiều nhất, không phải chỉ của bạn bè, thân hữu mà của nhiều thành phần, lứa tuổi trong xã hội, nếu không phải là người giáo viên nhân dân?
Theo dọc dài mảnh đất miền Trung- Tây Nguyên, chúng tôi vừa ghi nhận hình ảnh của sự đối lập: trên nền không gian còn in xơ xác tiêu điều của nhiều phố xá, làng quê vừa trải qua bão lũ vẫn bừng lên những sắc áo, màu hoa rực rỡ, tươi tắn. Ngôi trường nào cũng âm vang nhịp trống, lời ca. Một người bán hoa bên đường ở thị trấn Châu Ổ -Quảng Ngãi tâm sự: “ Bông( hoa) năm nay mất mùa do bão lũ, giá cả vận chuyển cao. Bán cho bọn trẻ đi mừng thầy cô mà bán giá cao thì tội nghiệp nên lời lãi chẳng là bao. Chỉ mong ông trời đừng làm mưa, làm gió, để các thầy cô được vui trọn vẹn!”. Lại nhớ cách đây chỉ tuần lễ, vị Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ (vùng tâm bão đi qua) thấy trời đẹp, nắng hanh vàng đã nảy ý định phải tranh thủ tổ chức sớm Lễ kỉ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam và Lễ tuyên dương khen thưởng để tránh bất ổn do thời tiết xấu trở lại.
Thời tiết vốn không hiểu lòng người. Rét sớm ở miền Bắc, mưa dai dẳng ở miền Trung, miền Nam. Hội trường của UBND TP Tam Kỳ buổi ấy, bất chấp gió mưa ngoài trời, vẫn rộn ràng nhịp trống ếch của các em học sinh đến mở đầu buổi lễ tôn vinh các thầy cô giáo. Tại Trường Cao đẳng Kinh tế Kế hoạch Quảng Nam, không gian vẫn nồng ấm bởi những tay bắt mặt mừng của nhiều thế hệ. Mở đầu Lễ kỉ niệm là những dòng thư của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giản dị mà có sức lay động tâm tư tình cảm ý chí của toàn thể đại biểu. Lời phát biểu cảm nghĩ của một thầy giáo đại diện cho toàn trường cũng thật ý nghĩa“ Chúng ta chỉ biết đáp lại sự quan tâm tôn kính của các bậc phụ huynh, của toàn xã hội bằng những sản phẩm vô giá.” Vâng, những sản phẩm vô giá ấy thời nào cũng có, do người thầy giáo làm nên. Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới, người thầy giáo gắn bó đời mình với vận mệnh của nhân dân, đất nước như ở Việt Nam. Giở lại trang quốc sử, thời nào cũng có những thầy giáo nêu gương sáng về đức độ, tài năng, khí tiết. Khởi đầu là thầy giáo Nguyễn Tất Thành- Hồ Chủ Tịch kính yêu của dân tộc; Đồng chí Trần Phú-Tổng bí thư đầu tiên của Đảng, nhà giáo tiên phong trong sự nghiệp cứu nước: Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai- người thầy dạy nhiều HS trở thành người cách mạng; Luật sư Vũ Đình Hoè- Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt nam dân chủ cộng hoà, người có công đầu xây dựng ngành học bình dân học vụ... Và còn biết bao nhiêu tên tuổi của những nhà GD, các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học đức trọng, tài cao mà tên tuổi của họ in sâu trong tâm khảm của biết bao thế hệ người Việt Nam như Nguyên Bộ trưởng, GS.TS Nguyễn Văn Huyên; Nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Thị Bình; Nguyên Bộ trưởng, GS.VS Phạm Minh Hạc; Các Nhà giáo nhân dân: GS.TS Trần Văn Giàu; GS Nguyễn Lân; GS.TS. Nguyễn Cảnh Toàn; GS.TS. Hoàng Xuân Sính, GS.TS Trần Phước Đường...
Người thầy giáo của chúng ta hôm nay vẫn luôn tiếp nối truyền thống của cha anh, của thế hệ nhà giáo đi trước, bên cạnh đó, còn phải gánh vác trọng trách nặng nề mà đất nước, nhân dân giao phó, giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực thật sự có giá trị cho đất nước trong giai đoạn đổi mới và hội nhập. Gian nan lắm nhưng vinh quang cũng nhiều, khi đây là giai đoạn ngành giáo dục và đào tạo được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân nhiều nhất. Nhiều đề án phát triển giáo dục thiết thực, có tính chiến lược song song với những cuộc vận động lớn làm trong sáng môi trường giáo dục gắn với chất lượng, hiệu quả. Toàn ngành giáo dục và đào tạo có sự đồng thuận cao với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục (đã trình Quốc hội khóa XII) bởi những sửa đổi, bổ sung Dự án Luật sẽ tạo cơ sở cho việc nâng cao chất lượng GD toàn diện, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục, thực hiện chế độ chính sách đổi với người học, tạo điều kiện cho GD đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vào những ngày đầu tháng 11 này, tôi được may mắn đọc nhiều trang viết mà dẫu có bận bịu đến đâu, người biên tập cũng không thể bỏ qua. Có những dòng tâm tư thật khó gọi tên, nhưng như có một sức thôi miên; vì sự trong trẻo, tươi mới, hay vì độ xúc cảm chân thật hiếm có giữa thời buổi cơ chế thị trường? Và tôi vẫn có thể tự tin khi nhận định, cái không hình hài đó chỉ tồn tại ở chốn học đường; nếu tách khỏi lãnh địa của người thầy, nó sẽ trở nên lạc lõng: Xúc cảm của một học trò khiếm thị không được nhìn thấy hình bóng của người thầy nhưng bao năm nghe giọng thầy quá đỗi thân quen bỗng quyết tâm trở thành người thầy trên bục giảng; nỗi niềm tiếc nuối của một cô giáo dạy tiểu học khi đứng trên sân trường xơ xác, hàng bằng lăng bật gốc nằm sõng xoài sau trận bão; trang hồi ký của một người thầy giáo đã sang tuổi 80 nhớ lại người học trò của mình dù đã trở thành một lãnh đạo khi gặp thầy cũ vẫn luôn cung kính dùng hai chữ “ trình thầy”, vẫn nhắc nhở mọi người “ nhất tự vi sư, bán tự vi sư” vẫn đến thăm thầy những ngày Nhà giáo Việt Nam; và lời kết thật mộc mạc : “ Người thầy giáo là người nhiều bạn nhất...”...
Người thầy giáo của chúng ta thật giàu có về đời sống tinh thần như thế, tuy nhiên, đời sống vật chất vẫn còn quá khiêm nhường. Đến các vùng bão lũ vừa đi qua ở Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, mới thấy trong những ngày này, đời sống của các thầy cô giáo vất vả, khó khăn đến nhường nào. Tại Đại Lộc, khi được hỏi trong ngày vui 20 tháng 11 này, các thầy cô giáo có được nhận thêm tiêu chuẩn nào không, thì người lãnh đạo phòng GD đã trả lời một cách ngậm ngùi: “ Cả huyện còn đang phải tập trung khắc phục hậu quả bão lũ, lo được năm bảy xuất hỗ trợ cho các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn nhất là may lắm rồi.”.
Không có một phong bì, một phần quà nào khác là những bó hoa. Thế mà trên tấm bảng treo trong các căn phòng ở các trường học ở Đại Lộc, Tam Kỳ (Quảng Nam), Bình Sơn, ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) vẫn kín lịch hoạt động chào mừng 20 tháng 11: nào là “ Hội thảo những vấn đề dạy học tích cực”, “ Sinh hoạt chuyên đề lớp học thân thiện”, “Hội thi giáo viên dạy giỏi”, “ Giáo sư Phạm Phụ nói chuyện về giáo dục đại học Việt Nam”... Giáo dục Việt Nam đang hướng đến một chất lượng thật trong điều kiện như thế. Thật cảm phục thay! Xin được gửi nỗi niềm của các thầy cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ Quốc trong những ngày này đến toàn xã hội.
,
Theo GD&TĐ Online