Năm học 2010-2011, quy mô học sinh vẫn giữ ổn định, sẽ có khoảng 19,6 triệu học sinh bước vào năm học mới, trong đó, giáo dục mầm non là hơn 3,6 triệu học sinh, giáo dục phổ thông hơn 15,2 triệu, giáo dục chuyên nghiệp có hơn 800.000 học sinh.
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo chuẩn bị khai giảng năm học mới 2010 – 2011 chiều nay (27/8) của Bộ GD&ĐT, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa.
Năm học 2010-2011 sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được sau 4 năm thực hiện chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục; năm thứ 4 thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; năm thứ 3 triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực”.
Chủ đề của năm học mới là “Năm học tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm, đó là: Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục; nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục; chăm lo đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới công tác tài chính giáo dục; phát triển mạng lưới trường lớp học và tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục và đồ chơi trẻ em.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đã ban hành kế hoạch thời gian năm học; tham mưu tích cực với chính quyền địa phương ra các Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Chỉ thị của UBND tỉnh, thành về nhiệm vụ công tác GD&ĐT năm học 2010-2011, bổ sung các giải pháp phát triển giáo dục phù hợp với hoàn cảnh thực tế của địa phương.
Các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo tích cực các phòng GD&ĐT, các nhà trường chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới; tổ chức tuyển sinh đầu cấp học; sắp xếp đội ngũ cán bộ, giáo viên đảm bảo yêu cầu phát triển giáo dục, ưu tiên giáo viên vùng khó khăn, vùng dân tộc, hoàn thành chương trình bổi dưỡng hè 2010 cho cán bộ giáo viên. Các địa phương cũng đã tổ chức mua sắm các thiết bị dạy học bổ sung đúng tiến độ; tích cực sửa chữa cơ sở vật chất, kịp đưa vào sử dụng cho năm học mới.
Cũng theo ông Phạm Mạnh Hùng, nhiệm vụ trước mắt đặt ra cho tháng 9 tới là chuẩn bị tốt lễ khai giảng năm học mới, tạo không khí thi đua sôi nổi ngay từ những ngày đầu tiên, tạo tiền đề thực hiện tốt nhiệm vụ năm học 2010-2011; rà soát việc triển khai thực hiện yêu cầu “3 đủ” – đủ ăn, đủ quần áo, đủ sách vở đối với học sinh trong việc phối hợp thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh không phải bỏ học vì thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu sách vở; kiểm tra việc triển khai nhiệm vụ năm học mới tại các địa phương; tiếp tục tổ chức khảo sát về tác động của game online tại 63 tỉnh thành phố; triển khai cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning.
Tình hình cung ứng sách giáo khoa; các giải pháp “giảm tải” ở cấp tiểu học và Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học là những vấn đề báo chí quan tâm tại buổi họp báo này.
Trả lời câu hỏi các giải pháp “giảm tải” ở cấp tiểu học sẽ được thực hiện như thế nào trong năm học mới, để áp lực thi cử không đè nặng lên vai học sinh nhỏ tuổi? Phó vụ trưởng Vụ GD Tiểu học, bà Trần Thị Thắm cho biết, chương trình, sách giáo khoa tiểu học được thực hiện từ năm 2002 nhưng sự “quá tải” chỉ diễn ra ở một số vùng miền do chúng ta thực hiện một bộ sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo thực hiện dạy học theo vùng miền, để giúp học sinh giảm tải. Bộ cũng đã ban hành chuẩn kiến thức kỹ năng, trong đó xác định chuẩn cơ bản ở từng bài mà học sinh cần đạt được. Bà Trần Thị Thắm khẳng định, với chuẩn kỹ năng này thì “vấn đề giảm tải không đặt ra nữa”.
Xung quanh Đề án dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học, bà Trần Thị Thắm cho biết, mục tiêu của Đề án là đến năm học mới này, 20% học sinh tiểu học phải học tiếng Anh. Nhưng sau nhiều cuộc họp, lắng nghe ý kiến đóng góp, Bộ quyết định “rút” lại chỉ tiêu đó, mà chỉ thực hiện dạy thí điểm. Đề án cần có thời gian chuẩn bị kỹ hơn.
Liên quan đến vấn đề cung ứng sách giáo khoa, ông Nguyễn Quý Thao, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho hay, năm nay giá SGK không đổi. NXB đã phát hành sách giáo dục phục vụ năm học 2010-2011 về các địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu không để thiếu sách, sốt sách. Đẩy mạnh phát hành tất cả các sản phẩm của NXB giáo dục, các cửa hàng của các đơn vị thành viên, các công ty sách và thiết bị trường học có đủ các sản phẩm của NXB giáo dục. Đẩy mạnh cuộc vận động sử dụng, quyên góp mua bán sách giáo khoa cũ, tặng sách giáo khoa mới cho con thương binh, liệt sĩ. Tiếp tục xây dựng các tủ sách trong thư viện trường học, bổ sung danh mục Tủ sách giáo dục đạo đức năm 2010, triển khai tới các địa phương. Xây dựng danh mục thiết bị dạy học, giới thiệu đến các Sở GD&ĐT để tổ chức cung ứng theo yêu cầu.
Cũng theo ông Nguyễn Quý Thao, NXB đã chuẩn bị dư từ 3 – 5% số lượng SGK dành cho vùng sâu, vùng xa phòng ngừa thiên tai có thể xảy ra. Theo thống kê của NXB, có 3 kênh phân phối sách: mua sách mới 40%, mượn thư viện 10% và dùng SGK cũ 50%. Trong 3 năm qua, mỗi năm NXB tặng 65 – 70 ngàn bộ sách cho con thương binh, liệt sỹ.
Theo GD&TĐ Online