Cập nhật: 05/11/2011 09:38:13 Article Rating
Xem cỡ chữ

TS. Lê Văn Thanh – Viện trưởng Viện Đại học Mở Hà Nội: Tôi cho rằng sau 5 lần điều chỉnh, Dự thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo dục, điều này cho thấy công tác chuẩn bị đã rất kỹ càng.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng Luật Giáo dục Đại học chung chung, chưa cụ thể, vẫn nặng về khuyến khích, không có quy định gì cụ thể để đảm bảo cho các đại học nghiên cứu, các giáo sư phải được đảm bảo cho họ có cuộc sống tử tế, dành thời gian cho việc nghiên cứu, sáng tạo...

 

Tôi cho rằng để có một bộ Luật chi tiết, cụ thể đến như vậy, có lẽ trên thế giới hiếm có bộ Luật nào. Chúng ta cần phải nhận thức rằng, Luật là những vấn đề khung chứ không thể cụ thể đến từng chi tiết được vì dưới Luật còn có Nghị định của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn ... của các Bộ, ngành liên quan.

  

Các nhà trường, người học và xã hội cần phải nhận thấy rằng đây là cơ hội rất lớn để giáo dục đại học có một bộ Luật khung lấy đó làm hành lang pháp lý, cơ sở để các trường hoạt động và cũng là căn cứ xử lý các vi phạm cho các cơ quan quản lý nhà nước. Thời gian qua các hoạt động đào tạo trong các nhà trường được chi phối bởi các quy phạm pháp luật phân tán, hiệu lực pháp lý không cao. Nhiều vấn đề quan trọng của GDĐH từ việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục cho đến vấn đề tài chính, tài sản cho GDĐH, thanh tra, kiểm tra hay quản lý nhà nước được điều chỉnh bởi các văn bản dưới luật rời rạc, chưa tạo nên được một hệ thống pháp luật chặt chẽ. Giờ đây, khi có một bộ Luật hoàn chỉnh – là hành lang pháp lý cho hoạt động này sẽ là rất tốt. Nếu bỏ qua cơ hội này thì các nhà trường thiệt, người học thiệt và xã hội cũng thiệt.

 

TS. Hoàng Ngọc Trí – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội: Tôi cũng đã được mời cho ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Giáo dục đại học do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức và cũng thấy đã có nhiều ý kiến đưa ra để việc xây dựng bộ Luật này trở thành một bộ khung pháp lý để giải quyết vấn đề đào tạo đại học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo vệ quyền lợi của người học cũng như bảo vệ lợi ích xã hội. Thực tế cho thấy, đây là thời điểm cần thiết để Luật Giáo dục đại học ra đời vì Luật Giáo dục không thể chi phối hết các hoạt động đào tạo liên quan đến đại học. Có nhiều việc, nhiều hoạt động của các nhà trường được điều tiết bởi hàng loạt các văn bản hành chính rời rạc, từ đó đã nảy sinh tranh cãi. Do vậy rất cần có một bộ Luật khung để chi phối các hoạt động liên quan đến giáo dục đại học, điều gì được làm, không được làm, nhà nước ưu tiên những gì... và trên cơ sở của Luật, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan sẽ ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể.

 

Đến thời điểm này khi Dự án Luật Giáo dục đại học đã được hoàn thiện trình Quốc hội, tôi cho rằng với một bộ Luật thì như thế là đã đủ căn cứ pháp lý ban hành. Luật được xây dựng có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng rộng, liên quan đến nhiều tầng lớp nhân dân và toàn xã hội; đồng thời điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến giáo dục đại học như chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học; việc thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, đình chỉ hoạt động giáo dục, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, kiểm định chất lượng giáo dục, vấn đề tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học... Dự thảo Luật đã chỉ rõ sự phân tầng đại học, trong đó tách bạch hẳn thành các đại học nghiên cứu, đại học thực hành, đại học đại trà. Nhà nước sẽ ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các Đại học quốc gia và Đại học vùng để thành đại học nghiên cứu là hoàn toàn đúng đắn.

 

Theo GD&TĐ

 

Tệp đính kèm