Cập nhật: 08/11/2011 14:27:19 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tại Hội thảo “Xây dựng các nội dung giáo dục đặc thù trong trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông dân tộc bán trú” do Bộ GD&ĐT tổ chức với sự tham dự của các đại biểu đến từ 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Nhà trường thân thiện để học sinh tích cực

 

Ngoài việc thực hiện các nhiệm vụ của một trường phổ thông, các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) còn thực hiện các nhiệm vụ GD đặc thù như: GD HS về truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số và đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; GD lao động và hướng nghiệp, giúp HS định hướng nghề phù hợp với khả năng của bản thân và yêu cầu phát triển KT – XH của địa phương; GD HS ý thức phục vụ quê hương sau khi tốt nghiệp; tổ chức đời sống vật chất, tinh thần cho HS…

 

Các địa phương trong khu vực đã có nhiều hình thức vận dụng sáng tạo trong việc GD văn hóa dân tộc và tri thức địa phương cho HS các trường PTDTNT, PTDTBT như Kon Tum triển khai thí điểm chương trình giảng dạy bộ môn văn hóa cồng chiêng, phối hợp với ngành văn hóa sưu tập các bài hát dân ca, các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian của Tây Nguyên đặc biệt là của Kon Tum.

 

Mỗi trường PTDTNT ở Gia Lai được trang bị 01 bộ cồng chiêng, có nghệ nhân về dạy cho các em nghệ thuật biểu diễn. Biểu diễn cồng chiêng đã được đưa vào các hoạt động văn hóa văn nghệ và sinh hoạt tập thể ở các trường. Sở GD&ĐT Gia Lai có kế hoạch, đến năm 2013, tất cả các trường THPT và THCS có tỉ lệ HS dân tộc thiểu số từ 40% trở lên sẽ đưa không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào nhà trường.

Tùy theo tình hình của địa phương để chọn triển khai việc dạy tiếng dân tộc. Các địa phương như Trà Vinh, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu thực hiện dạy chương trình tiếng KhMer trong các trường PTDTNT huyện. Tỉnh Ninh Thuận dạy tiếng Chăm cho HS trường PTDTNT tỉnh. Việc dạy tiếng dân tộc đang góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng GD vùng dân tộc, phát triển nhân cách HS, góp phần bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc cho HS thiểu số.

 

Công tác GD hướng nghiệp và dạy nghề truyền thống, GD kỹ năng sống cũng được chú trọng vơi các hình thức phù hợp. Các trường PTDTNT tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng đã đưa dệt thổ cẩm vào dạy cho HS đạt kết quả tốt, được HS, phụ huynh và cộng đồng đồng tình, hưởng ứng. Việc chăm lo sức khỏe cho HS bán trú, nội trú được các trường quan tâm sát sao. Riêng đối với HS bán trú, nhiều trường đã hình thành bộ phận quản lý HS hoặc phân công GV phụ trách, tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp phù hợp như phụ đạo HS yếu kém, bồi dưỡng HS giỏi, tổ chức dạy thêm tiếng Việt cho HS, tự học dưới sự hướng dẫn của GV chủ nhiệm, tổ chức lao động sản xuất và sinh hoạt tập thể…

 

Trường PTDTNT tỉnh Quảng Nam gắn giáo dục kỹ năng sống với mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ và lối sống văn minh cho HS. Chính vì vậy, ngoài GD những kỹ năng sống nói chung, nhà trường chú trọng các kỹ năng như: đặt mục tiêu rèn luyện, học tập; phòng tránh sử dụng chất gây nghiện; phòng tránh rủi ro trong quan hệ giới tính, bước đầu cho HS làm quen với một số kỹ năng công tác quản lý…

 

Những rào cản của GD đặc thù

 

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Vụ trưởng Vụ GD Dân tộc, Bộ GD&ĐT thì chất lượng GD đặc thù vẫn chưa cao, chưa hiệu quả để đáp ứng với mục tiêu GD toàn diện cho HS vùng dân tộc là nguồn đào tạo cán bộ. Hoạt động GD đặc thù trong các trường chưa được quan râm thích đáng, chưa đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển KT – XH của vùng dân tộc. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do công tác quản lý chỉ đạo về GD đặc thù trong các trường PTDTNT, PTDTBT chưa sâu sát và chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn.

 

Các cấp quản lý chưa có chỉ đạo cụ thể và đồng bộ về GD đặc thù trong hệ thống trường PTDTNT, PTDTBT. Chưa tạo được cơ chế, chính sách mở để động viên, khuyến khích các nhà trường và HS tích cực tham gia. Các trường PTDTNT, PTDTBT còn thiếu những điều kiện cần thiết về nhân lực và vật lực để tiến hánh các biện pháp GD đặc thù cho HS như: thiếu GV chuyên ngành có sự am hiểu, có kinh nghiệm và kỹ năng trong công tác GD đặc thù, thiếu thốn về CSVC và thiết bị…

 

Ông Nguyễn Anh Linh - PGĐ Sở GD&ĐT Ninh Thuận minh chứng: “Tùy theo điều kiện của từng trường PTDTNT và ngành nghề truyền thống của địa phương, chúng tôi tổ chức dạy một số nghề như dệt thổ cẩm, nghề làm gốm, đan lát công cụ sinh hoạt truyền thống cho HS. Thế nhưng, cái khó của chúng tôi là trong các định mức chi của trường PTDTNT không có khoản chi cho dạy nghề truyền thống. Việc “xã hội hóa giáo dục” trong dạy học nghề cũng có những hạn chế và chỉ ở mức độ cho phép. Nhà trường không thể “kêu gọi, vận động” các nghệ nhân lành nghề “làm không” cho trường trong một thời gian dài, khi cuộc sống của chính gia đình và bản thâ họ cũng còn có những khó khăn nhất định”. Ông Linh phân tích thêm: “Nhà trường là đơn vị có trách nhiệm chính trong việc tổ chức dạy nghề truyền thống cho HS, trong đó đội ngũ GV nhà trường là lực lượng chủ lực, lâu dài, thường xuyên; tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có chương trình dạy nghề truyền thống đưa vào dạy trong các nhà trường PTDTNT. Thời lượng dạy nghề cũng còn tự phát. Chế độ chính sách cho công tác quản lý, dạy nghề cũng chưa cụ thể. CSVC, các nơi thực hành nghề đang là một trở ngại lớn cho các trường triển khai tổ chức dạy nghề”.

 

Các đại biểu đã thảo luận về những nội dung đặc thù cần thiết trong trường PTDTNT, PTDTBT như nội dung GD kỹ năng sống, GD văn hóa dân tộc và kiến thức địa phương, GD hướng nghiệp và dạy nghề; GD vì sự phát triển và bền vững; GD bản lĩnh chính trị của người cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số… cũng như hình thức, điều kiện để đưa những nội dung này vào trường PTDTNT, PTDTBT. Trong số này, có những nội dung, Bộ GD&ĐT cần có sự thống nhất chỉ đạo trong toàn quốc. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT sớm có những điều chỉnh về chế độ cho GV và HS các trường PTDTNT, PTDTBT như tăng định biên GV, chế độ cho bộ phận phục vụ công tác bán trú, nội trú; biên soạn các tài liệu hướng dẫn có liên quan đến GD đặc thù…

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển thì mục tiêu cuối cùng là làm sao con em vùng dân tộc được đi học, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các dân tộc và địa phương. Chính vì vậy, ngoài thực hiện kế hoạch GD theo mục tiêu, chương trình của các cấp học phổ thông tương ứng, các trường PTDTNT, PTDTBT còn bổ sung kiến thức về lịch sử, địa lý, ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số và địa phương. Chính vì vậy, sẽ không có chương trình chung về GD đặc thù cho toàn quốc, Bộ đã trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục trong xây dựng chương trình để phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trường, địa phương. Tất nhiên, để làm được điều đó một cách có hiệu quả, Bộ GD&ĐT cùng với Sở, Phòng GD sẽ tổ chức tập huấn cho các hiệu trưởng về năng lực xây dựng chương trình.

 

Các nội dung như hướng nghiệp, dạy nghề, tổ chức văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… cho HS dân tộc nội trú, bán trú…, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng địa phương cần có sự linh hoạt trong cách thức tổ chức, như có thể vận dụng chủ trương xã hội hóa, tranh thủ sự ủng hộ của phụ huynh học sinh… trong những hoạt động này. Chẳng hạn, nội dung hướng nghiệp, dạy nghề… có thể phối hợp với Trung tâm hướng nghiệp – dạy nghề ở địa phương. Ngoài dạy nghề truyền thống, có thể nghiên cứu để triển khai dạy những nghề mới. Tất cả những hoạt động của GD đặc thù trong trường PTDTNT, PTDTBT đều phải gắn với phục vụ đời sống lành mạnh, an toàn của HS nội trú, bán trú với mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho các em.

 

Thứ trưởng nhấn mạnh, nhất thiết, mỗi GV giảng dạy ở các trường PTDTNT, PTDTBT và vùng dân tộc đều phải cố gắng biết tiếng dân tộc. Điều này, sẽ hỗ trợ rất nhiều cho việc nâng cao chất lượng dạy - học cũng như hình thành các kỹ năng khác cho HS. Về phía Bộ GD&ĐT, theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sẽ chủ động trong việc xây dựng chế độ cho đội ngũ GV ở các trường PTDTNT, PTDTBT. Trước mắt, Bộ GD&ĐT sẽ có sự hỗ trợ về mặt pháp lý để tăng biên chế GV cho các trường có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

 

 

 

Theo Ánh Ngọc/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm