Làm thầy không nghĩ đến làm giàu mà cần nghĩ cái tâm với nghề... đó là ý kiến của GS.TS NGUYỄN VIẾT THỊNH - Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong cuộc trao đổi với PV của Báo ĐBND xung quanh câu chuyện về nghề giáo hiện nay.
- Từ xưa đến nay, nghề giáo luôn được xem là nghề cao quý nhất, song hiện nay, có khá nhiều vấn đề nhạy cảm liên quan đến hình ảnh người thầy cũng như xu hướng không thích thi vào các trường sư phạm của nhiều học sinh. GS cảm nhận về những vấn đề này như thế nào?
- Tôi cho rằng, trước đây sự phân bố chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường theo kế hoạch, dựa trên nền kinh tế kế hoạch hóa, nhiều người thi vào các trường sư phạm, trong khi không nhiều trường đào tạo giáo viên như bây giờ nên có tỷ lệ chọi cao. Sau này, các trường việc xác định chỉ tiêu dựa trên tính tự chủ của, nhất là dựa trên năng lực nhà trường và sự trên phỏng đoán về nhu cầu xã hội mà thực ra chúng ta chưa dự báo chính xác nhu cầu. Nhiều hay ít thi vào sư phạm chưa phản ánh bản chất vấn đề. Ai thi vào đại học cũng muốn đỗ, vậy người ta không chọn vào trường có tỷ lệ chọi cao. Tôi cho rằng, đây là một cảnh báo song không phải là cảnh báo đáng lo ngại nhất. Mà tôi nghĩ cần quan tâm đến chất lượng đầu vào hơn nữa.
Cái băn khoăn cần tính đến hiện nay là làm thế nào để những học sinh giỏi nhất thi vào trường sư phạm; và trong cơ cấu giới tính của sinh viên sư phạm cần có sự cân bằng tỷ lệ nam và nữ. Thực tế, trong các trường sư phạm hiện nay, nữ nhiều nam ít, ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng đội ngũ nhà giáo sau này. Nhất là các lớp dưới như tiểu học, trung học cơ sở. Nếu chúng ta có nhiều thầy giáo thì việc giáo dục nhân cách của trẻ sẽ khác so với việc hoàn toàn do các cô giáo đảm nhiệm. Bên cạnh đó, cần làm sao thu hút được những học sinh giỏi ở các thành phố, đặc biệt các thành phố lớn, học sinh giỏi ở trường chuyên các tỉnh vào học sư phạm.
Tôi cho rằng, nếu chú ý giải quyết những vấn đề này, chúng ta sẽ có nguồn nhân lực tốt hơn để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục vào sau năm 2015. Và điều quan trọng ở đây không chỉ là chính sách mà cần có những tác động làm thay đổi tâm lý xã hội; từ tâm lý gia đình đến tâm lý của mỗi cá nhân. Trong đó, vai trò của thông tin đại chúng rất quan trọng.
- Có nghĩa chúng ta cần có những tôn vinh hơn nữa với nghề giáo, thưa GS?
- Đúng vậy! Thực tế, chúng ta có nhiều hành động tôn vinh nghề giáo, đó là việc làm tốt. Song cũng phải nói rằng, dường như đôi khi chúng ta nói quá nhiều đến một vài trường hợp khó khăn dưới mức chịu đựng của con người trong cuộc sống của nhà giáo. Theo tôi, chúng ta nên nói ở chừng mực nào đó, nếu không người ta sẽ thấy nghề giáo phải hy sinh nhiều quá. Và ngược lại nếu chúng ta lại nói quá nhiều đến việc một trường hợp dạy thêm và thu được nhiều tiền cũng không nên. Bởi điều đó khiến xã hội có thể nghĩ người thầy nào cũng đi dạy thêm cả, không nhiệt huyết với giờ lên lớp. Tôi nghĩ, chúng ta cần làm thế nào để xã hội hình dung đúng chân dung nhà giáo, hình dung đúng được lao động của nhà giáo.
Khi chúng ta còn phải bàn mãi về chế độ lương cho nhà giáo thì ý kiến vô cùng khác nhau. Và có thể xã hội nhìn chưa hẳn thấu đáo về lao động nhà giáo. Người ta không hình dung được để có một giờ lên lớp chất lượng người thầy phải bỏ bao nhiêu thời gian, công sức. Người ta chưa hình dung được nếu năm trước dạy tốt, năm sau muốn dạy tốt hơn người thầy phải lao tâm khổ tứ như thế nào để tìm được sáng kiến mới. Phải làm sao để tất cả mọi người hiểu và trân trọng nhà giáo. Tôi cho rằng, để trở thành nhà giáo tốt, thì mỗi thầy giáo, cô giáo phải thật sự tâm huyết và tài năng, hơn thế còn là sự hy sinh thầm lặng.
Điều tiếp theo, tôi nghĩ rất cần sự cảm thông đối với nhà giáo. Khi một sự việc xảy ra, như việc thầy cô xử lý không chuẩn mực, các phương tiện thông tin thường được lan truyền rất nhanh trên internet. Nhiều bình luận có trách nhiệm song đôi lúc cũng có những bình luận thiếu trách nhiệm, dẫn đến nhiều tác động không tốt tạo ra sự phân tâm, chán nản ở trong bộ phận giáo viên và xã hội. Thực tế là ở ngành nào, cương vị nào cũng có thể có những sơ xuất - “nhân vô thập toàn” mà. Nhà giáo cũng là con người, nhà giáo còn có trái tim nhạy cảm, dễ rung động trước cảnh đời và cũng dễ tổn thương.
- Tuy nhiên, thực tế vẫn có những yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến đạo đức người thầy xảy ra. Và người ta đổ lỗi cho cuộc sống của giáo viên còn quá nghèo. GS có đồng tình với ý kiến này không?
- Tôi từng có suy nghĩ, trong hàng rào của nhà trường sư phạm này cuộc sống phải khác với cuộc sống ngoài hàng rào kia. Nhưng thực tế, giữa chúng lại có cổng. Nói có thể hình tượng một chút, nhà trường và môi trường xã hội giống như cái bình thông nhau và nghề giáo không tồn tại như một ốc đảo. Nếu trong xã hội còn có vấn đề phong bì thì nghề giáo không thể miễn dịch. Đó là cái khó nhưng cái khó nhất là ngành giáo dục nằm trong tổng thể xã hội. Vậy yếu tố tiêu cực mà ta nói đến không thể lý giải bằng nguyên nhân là cuộc sống của nhà giáo quá nghèo, mà đây là vấn đề đạo đức chung của xã hội.
Tôi cho rằng, cần làm sao để tất cả người thầy khi đã chọn nghiệp làm thầy thì không mộng đến làm giàu mà cần nghĩ đến cái tâm với nghề. Thực ra không quá khó để làm điều này, bởi những nhà giáo trọn đời gắn với nghề đều tự hào là có tâm với nghề. Ở hầu hết các nước, người thầy đứng ở tầng trung lưu trong xã hội. Ở ta, cũng không được để nhà giáo nghèo bởi họ sẽ không đủ tư thế, tác phong đứng trên bục giảng. Người thầy còn phải lo cho cái ăn thì khó lòng đòi hỏi họ lo cho khoa học, cho giảng dạy hết mình được. Hãy cho họ một mức sống tối thiểu, người thầy phải sống được bằng lương, một cuộc sống dù đạm bạc để họ yên tâm sống với nghề. Có gia đình nhà giáo có cuộc sống tốt, và xã hội mừng là họ vẫn làm tốt công việc của mình và giữ được bản chất trong sạch của người thầy. Điều quan trọng là trong suy nghĩ của họ, họ không coi trọng đồng tiền. Đó là cái tâm của người thầy.
- Là người đứng đầu một cơ sở đào tạo bậc nhất về nghề giáo, để đội ngũ các nhà giáo tương lai tràn đầy nhiệt huyết, có tâm với nghề, theo GS, chúng ta cần phải làm gì?
Thực tế nhiều em chọn nghề giáo, không ít là do ảnh hưởng của hình ảnh người thầy của các em ở phổ thông. Tấm gương thầy cô ăn sâu vào tâm trí, tình cảm của các em; cũng có em theo nghề của cha mẹ hoặc người thân trong gia đình. Đó là điều rất tốt để chúng ta có một thế hệ giáo sinh, giáo viên tương lai tốt.
Trong quá trình đào tạo, tôi cho rằng, phải tạo môi trường sư phạm thật sự. Môi trường để các em được sáng tạo, tự học và cống hiến cho cộng đồng. Đặc biệt, trong môi trường sư phạm thì vai trò Đoàn Thanh niên rất quan trọng. Ở đâu phong trào Đoàn, Hội Sinh viên kém thì chất lượng giáo dục kém. Bởi qua Đoàn, Hội các em sẽ được va chạm thực tế công việc tại các nhà trường, đối diện với cuộc sống... Qua đó, các em sẽ hình thành thế giới quan, nhân sinh quan để bước vào cuộc sống tốt hơn. Vừa qua, Chính phủ có chủ trương tập trung vốn xây dựng ký túc xá sinh viên. Tôi rất mừng khi dự án này được triển khai. Đối với sư phạm càng nhiều học sinh ở ký túc xá càng tốt. Thủa chúng tôi, sinh viên Hà Nội không được về nhà mà ở lại ký túc xá, sáng dạy tập thể dục, việc học hành cũng có nền nếp... Cuộc sống rèn cho ta tính kỷ luật, nền nếp, tình thân ái...
Chúng tôi luôn cố gắng tạo môi trường sư phạm tốt để dần dần tạo cho người thầy tương lai cái tâm với nghề. Bởi việc xây dựng cái tâm không thể bằng lời nói, mà bằng những tấm gương và với phương thức “mưa dầm thấm lâu”.
- Xin cảm ơn GS!
Theo Đinh Loan/ Đại Biểu Nhân Dân