Cập nhật: 24/12/2012 15:41:45 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng nay (24/12), Lễ công bố quyết định và trao Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012 đã diễn ra long trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Đồng chí Đinh Thế Huynh - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phạm Vũ Luận - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước cùng các tân GS, PGS và gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đến dự buổi Lễ.

469 tân GS, PGS, hai trường hợp đặc cách

 

Theo Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung, năm 2012, tổng số ứng viên đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư ban đầu tại 78 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở là 66 người, PGS là 526 người. Cuối cùng, 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 427 nhà giáo được công nhận PGS, trong đó có 2 trường hợp được xét đặc cách, cả hai đều thuộc lĩnh vực Toán học.

 

Như vậy, nếu so với số ứng viên đăng ký ban đầu thì sau khi được sàng lọc bởi 3 cấp hội đồng, tỷ lệ được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS là 64% và PGS đạt 81%. Điều đó chứng tỏ, quá trình xét, công nhận là rất chặt chẽ, nghiêm túc và khoa học. Hai hội đồng có số ứng viên nhiều nhất là Hội đồng giáo sư ngành Y học và Kinh tế.

 

Trong số 42 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS năm nay, người trẻ nhất, cũng là GS được đặc cách là GS Phùng Hồ Hải (sinh năm 1970). Cao niên nhất trong đợt này là GS.NGND.Nguyễn Trung Kiên, 73 tuổi, người thầy của nhiều GS, PGS và nhiều thế hệ nghệ sỹ nổi tiếng trong nước và quốc tế.

 

Trong số 427 nhà giáo được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay, ba người trẻ nhất là PGS.Nguyễn Khánh Diệu Hồng (sinh năm 1981), sau đó là PGS.Đỗ Thị Hương Giang (SN 1979), Đặng Hoàng Minh (SN 1979) và Phạm Hữu Anh Ngọc – được xét công nhận đặc cách (SN 1967). PGS cao niên nhất trong đợt năm nay là PGS.Nguyễn Thị Tình, 69 tuổi.

 

Tân GS, PGS ngày càng trẻ hơn

 

GS.Trần Văn Nhung cũng cho biết, trong năm 2012, số GS trên 60 tuổi chỉ còn chiếm 16,6%; PGS là 0,7% (15 năm về trước, số GS trên 60 tuổi là 31%; ba năm trước, số PGS trên 60 tuổi là 6,3%). Các tân GS, PGS thuộc các cơ sở giáo dục đại học ngày càng chiếm đa số, năm nay, số GS là 69,05% và PGS là 77,75% trên tổng số; tỷ lệ nữ GS là 14,29% và PGS là 27,63%. Độ tuổi trung bình của các tân GS trong kĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ là 56,8; của các tân GS trong các lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và thể dục thể thao là 57,5. “Đó là những dấu hiệu đáng mừng về đội ngũ” - GS.Trần Văn Nhung cho hay.

 

Tuy nhiên, cũng theo GS.Trần Văn Nhung, mật độ phân bố quá tập trung. Số tân GS năm 2012 ở Hà Nội chiếm 80,96%, TPHCM là 7,14%, ở tất cả các tỉnh và thành phố còn lại chỉ 11,90%. Số tân PGS năm 2012 ở Hà Nội là 71,2%, ở TPHCM: 14,05%, tất cả tỉnh thành còn lại là 14,75%.

 

Tân Gs trẻ nhất năm 2009 là 45 tuổi, năm 2010 là 46 tuổi, năm 2011 là 37 tuổi và năm 2012 là 42 tuổi; các PGS trẻ nhất từ năm 2009 đến nay lần lượt là 31 – 32 – 29 – 31 tuổi. Theo thống kê, những tân GS và PGS trong 4 năm vừa qua hầu hết nằm trong lĩnh vực Toán học, sau đó đến Vật lý và Hóa học.

 

Chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong trường ĐH ngày càng tăng

 

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Đinh Thế Huynh bày tỏ vui mừng trước việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2012 được thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục và quy trình trên cơ sở các văn bản pháp quy hiện hành. Thành viên các cấp các Hội đồng Chức danh GS đã làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm kết quá xét khách quan, công bằng, đúng tiêu chuẩn, có chất lượng. Số GS, PGS có sự trẻ hóa so với các năm trước đây. Đặc biệt, trong số GS, PGS được công nhận đợt này, đối tượng là giảng viên cơ hữu trong các trường ĐH chiếm phần lớn – 69,5%. Điều đó chứng tỏ chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy trong các trường ĐH ngày càng được tăng cường.

 

“Hiện nay, đất nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH và hội nhập quốc tế, phấn đấu để cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 với mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để thực hiện mục tiêu nói trên, đội ngũ trí thức nói chung có vai trò rất quan trọng. Trong đó, các GS, PGS là lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ tri thức cho đất nước, góp phần xây dựng nên một thế hệ trẻ say mê học tập, đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chiếm lĩnh những tri thức, làm chủ công nghệ mới, đồng thời có nhiệt huyết, khát vọng và quyết tâm đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước” – đồng chí Đinh Thế Huynh nhấn mạnh.

 

Thay mặt các GS, PGS, đội ngũ các trí thức Việt Nam đang làm việc trong các lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận bày tỏ lòng biết ơn chân thành với Đảng, tổ quốc, nhân dân về sự nuôi dưỡng, dạy dỗ, động viên, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức; đồng thời xin hứa với Đảng, với nhân dân sẽ phát huy truyền thống của dân tộc, truyền thống, cốt cách của tri thức Việt Nam, đồng hành cùng đất nước, cùng nhân dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp khoa học, công nghệ, GD-ĐT.

 

 

Theo Hiếu Nguyễn/GD & TĐ Online

Tệp đính kèm