Cập nhật: 29/01/2013 14:56:30 Article Rating
Xem cỡ chữ

Dạy Văn trong nhà trường phổ thông luôn là vấn đề mà xã hội quan tâm. Bên cạnh yếu tố về nội dung chương trình thì yếu tố người dạy và người học quyết định nhiều tới sự thành công trong một giờ dạy. Đổi mới dạy Văn theo hướng học sinh là bạn đọc là một trong những cách dạy hấp dẫn người học.

 

Trong giờ giảng văn, GV là người tổ chức cho HS hoạt động làm việc, vì vậy cần đa dạng hóa hình thức hoạt động của HS. Giáo viên có vai trò điều khiển định hướng trong các hoạt động như: đọc, đóng vai, hoạt động theo nhóm, thuyết trình, trao đổi giữa HS với nhau hoặc giữa HS với GV… kết hợp việc đưa power point vào trình chiếu.

 

Đổi mới phải hiểu không phải là xóa bỏ hoàn toàn cái cũ mà trên cơ sở là phát huy những cái tích cực trên nền tảng đó cho phù hợp với xu thế hiện đại. Đổi mới PPDH phải là sự kế thừa có chọn lọc các PPDH truyền thống kết hợp với các PPDH  hiện đại. Cốt lõi của vấn đề là HS phải được làm việc để tự lĩnh hội, khám phá tác phẩm. Giờ văn không chỉ cung cấp kiến thức mà còn rèn cho HS kỹ năng để HS chiếm lĩnh kiến thức. Cho nên cách thức xây dựng hệ thống câu hỏi, cách nêu vấn đề và đưa các PPDH vào từng bài phụ thuộc vào kinh nghiệm và sự khéo léo của người thầy.

 

 Giáo sư Phan Trọng Luận - một trong những giáo sư đầu ngành về phương pháp dạy học từng chia sẻ: Trong giờ giảng văn thì hoạt động đọc rất được quan tâm. Tiếc rằng có người hiểu không kỹ càng cho rằng “đọc hiểu” là đặc trưng của dạy học văn. Đọc hiểu chỉ là một hình thức, một mức độ của đọc văn bản văn học mà thôi.

 

Đọc có nhiều cách: đọc hiểu, đọc diễn cảm, đọc phân vai, đọc nghệ thuật, đọc sáng tạo…và cao nhất là đọc thẩm mỹ. Đọc hiểu là đọc đúng nội dung phản ánh trong tác phẩm. Đọc thẩm mỹ là cách đọc cao nhất, nó cần có sự đồng cảm giữa người đọc với tác giả thông qua tác phẩm, thực chất là quá trình cộng hưởng cảm xúc. Khi người đọc, đọc thông tin mà câu chữ đưa đến và đọc cả thông tin mà câu chữ không đưa đến. Người đọc dùng kinh nghiệm và vốn sống của mình để cảm nhận điều nhà văn gửi gắm qua văn bản thì đó là đọc sáng tạo. Chính việc đọc thẩm mỹ tác phẩm sẽ góp phần tạo không khí văn chương trong giờ học, đưa người học tiếp cận tác phẩm đến gần với cảm xúc tác giả.

 

Chính cách tiếp cận bắt đầu từ tác phẩm qua các mức độ đọc, HS sẽ được sống trong môi trường văn học, được cảm được nghĩ và sẽ là cơ sở để bày tỏ tình cảm. Để phát huy tính chủ thể của người học, giáo viên nên định hướng cho HS nhưng không làm thay cho các em phát biểu những cảm nhận riêng.

 

Hiện nay, bên cạnh những GV áp dụng cách dạy phát huy tính chủ thể cá nhân người học vẫn còn nhiều GV vẫn dạy theo cách áp đặt vì vậy dẫn đến cách học thụ động theo hướng đọc chép. Điều đó đang là rào cản trong quá trình dạy và học.

 

Trong giờ giảng văn thì những lời bình của người thầy sẽ có tác dụng lớn không chỉ tạo không khí văn chương trong giờ giảng mà còn bồi dưỡng cách đánh- giá, thẩm bình cho các em. Điều cốt lõi để HS yêu thích môn văn là GV cần bồi dưỡng cho các em phương pháp tự học tự tìm hiểu.

 

Trong bối cảnh xã hội phát triển hiện nay mỗi GV cần phải thấy việc tự thay đổi tìm tòi trong quá trình dạy học là một hoạt động thường xuyên và liên tục. Cô Phạm Thị Giang, Phó Hiệu trưởng của trường THPT tại Ninh Bình chia sẻ: Theo xu thế phát triển chung, môn văn cũng không nằm ngoài quy luật cần phải có sự đổi mới từ vấn đề chương trình, SGK và cả cách ra đề đánh giá. Có như vậy việc đổi mới mới đồng bộ và đáp ứng được một cách toàn diện.

 

Như vậy việc đổi mới cách dạy học văn nên đi từ những vấn đề thiết thực gần gũi, mục đích chính là nhằm tập trung hình thành cho HS phương pháp học. Có như vậy việc dạy và học văn mới trở nên tự nhiên nhẹ nhàng không gò ép theo một khuôn mẫu chung, giúp HS tự học, tự khám phá, tự kích thích sáng tạo.

 

 

 

Theo Hồng Vân/GD&TĐ Online

Tệp đính kèm