Mục tiêu của Giáo dục là đào tạo, phát triển những con người toàn diện cho xã hội gồm cả đức, trí, thể và mỹ. Trong những năm gần đây, do chạy theo thị hiếu, nhu cầu xã hội nên đã nảy sinh hiện tượng học lệch trong giới HS, SV. Không chỉ các môn học phụ bị coi nhẹ mà ngay cả những môn học chính, nếu không phục vụ mục đích thi ĐH hay ngành nghề vào đời sau này cũng dễ bị HS coi thường. Nếu không chấn chỉnh, những chủ nhân tương lai của đất nước khó có thể trở thành những con người phát triển toàn diện.
Phổ biến tình trạng học lệch
Hiện tượng HS học lệch, chỉ tập trung vào những môn học chính, những môn hướng đến khối thi vào ĐH hay các trường chuyên, lớp chọn, không quan tâm đến học toàn diện, đặc biệt không chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất... đang diễn ra khá phổ biến. Cuối cấp Tiểu học, phụ huynh hướng con tập trung học ôn thật kỹ chủ yếu hai môn Văn và Toán, hoặc thêm môn Ngoại ngữ (để chuẩn bị thi vào các trường có tuyển lớp chuyên ngữ). Với HS THPT, việc học lệch thường theo nhu cầu chọn lựa trường thi, khối thi. HS định thi khối nào chỉ chuyên tâm học các môn của khối đó. Ngay cả việc chọn lựa khối thi, trường thi cũng theo những ngành nghề thị trường.
Lý giải ở góc độ chuyên môn, các chuyên gia GD cho rằng, do chương trình học hiện nay trong các nhà trường được thiết kế quá nhiều môn. Trong khi đó, nhu cầu ứng thí lại chia theo khối ngành với số lượng các môn học ít hơn, để tập trung cho việc ứng thí, thi phải đỗ, nhiều phụ huynh, kể cả các thầy cô cũng chỉ hướng HS học tập trung các môn chính, các môn phụ bỏ qua, hoặc học cầm chừng, miễn không bị điểm kém ảnh hưởng đến kết quả học tập trung bình.
Hậu quả khó lường
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không sớm chấn chỉnh hiện tượng học lệch thì chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm giáo dục “què quặt” - lệch lạc trong nhận thức, tư duy và lối sống... Sau này trẻ có thể trở thành những nhà khoa học giỏi nhưng lại thiếu kinh nghiệm sống, kém tự tin trước đám đông, giao tiếp kém nên có thể sẽ không có cơ hội phát huy những kiến thức của mình. Nghiêm trọng hơn, học lệch cũng dẫn đến tư duy lệch. Trẻ học giỏi và thiên về các môn tự nhiên sẽ có ý xem thường các môn xã hội, cho đó chỉ là các môn phù phiếm, dẫn đến “thiếu cân bằng” về tư duy.
Việc quan tâm lo lắng cho tương lai của con cái của các bậc phụ huynh là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, nếu quá thiên lệch trong việc định hướng học tập của con cái sẽ dẫn đến sự lệch lạc trong nhận thức, tư duy, lối sống của trẻ.
Dạy lệch, học lệch ảnh hưởng lớn đến thế hệ công dân tương lai đất nước. Đặc biệt, những môn học bị coi là “phụ” như Thể dục, Mĩ thuật hay Âm nhạc... lại càng bị xem thường, học cho xong. Trong khi đó, môn Giáo dục công dân nhằm GD đạo đức, lối sống cho HS, hay môn Giáo dục thể chất nhằm rèn luyện thể chất cho học trò. Việc xem nhẹ hoạt động GD thể chất khiến HS yếu thể lực, thiếu sức khỏe để học tập, vui chơi... Còn hệ lụy của việc xem nhẹ môn học Giáo dục công dân thể hiện rõ qua tình trạng xuống cấp về đạo đức của không ít HS, SV hiện nay...
Phải chăng, vì học lệch mà có hiện tượng HS ngày càng chán học môn Sử, không am hiểu lịch sử nước nhà; HS không coi trọng môn Toán nên kiến thức xử lý tính toán nhẩm nhanh chậm chạp, phụ thuộc toàn bộ vào máy tính; HS lười học Văn, câu văn ngô nghê, không có cảm thụ văn chương, sau này vào đời không biết tạo ra văn bản...
Để thực sự đào tạo ra những sản phẩm giáo dục toàn diện, một trong những việc quan trọng cần làm là phải quyết liệt xóa bỏ hiện tượng học lệch; đẩy lùi quan niệm môn chính - môn phụ; nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, giáo dục thể chất cho HS, SV.
Theo Tuấn Hùng/GD&TĐ Online