Đánh giá kết quả học tập là một phần không thể thiếu của quá trình dạy học trong trường phổ thông. Kết quả học tập của học sinh được hình thành và chịu tác động từ nhiều yếu tố tác động đến quá trình dạy học như: việc dạy của giáo viên, việc học của học sinh, vấn đề quản lí giáo dục, các dịch vụ giáo dục, ảnh hưởng của gia đình và xã hội tới quá trình giáo dục, dạy học ...
Vì vậy, để cải thiện kết quả học tập thì cần phải tác động từ nhiều phía làm sao để các yếu tố khác luôn có ảnh hưởng tích cực đến việc học của học sinh, giúp các em luôn thoải mái, chủ động trong việc học.
1. Thực tế đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông hiện nay ở Việt Nam và một số nước trong khu vực chủ yếu tập trung vào việc đánh giá về những gì mà nhà trường dạy cho học sinh mà chưa thực sự chú trọng vào việc đánh giá những gì học sinh học được (học trong trường, ở nhà, ngoài xã hội). Phương pháp đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng chưa có những đổi mới về căn bản. Đánh giá kết quả học tập hiện nay chủ yếu dựa trên nội dung (kiến thức, kĩ năng và thái độ) và quá phụ thuộc vào sách giáo khoa. Cách đánh giá này là nguyên nhân dẫn đến việc học vẹt, học tủ và học để đối phó với việc kiểm tra chứ không phải là đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh phổ thông, đồng thời cũng làm cho giáo viên trở thành người thụ động, phụ thuộc, khó có thể phát huy được năng lực giảng dạy của cá nhân.
Để khắc phục những hạn chế của hoạt động đánh giá kết quả học tập dựa trên nội dung, giáo dục phổ thông tại các nước phát triển trong những năm gần đây đã chuyển sang đánh giá dựa trên năng lực của học sinh. Năng lực được hiểu là khả năng giải quyết một công việc nào đó không phải chỉ trong sách vở mà phải trong đời sống thực tiễn và không chỉ quan tâm đến mức độ đạt được cao hay thấp mà cả về chất lượng nữa. Khác với đánh giá dựa trên nội dung, trong đánh giá dựa trên năng lực, học sinh phải nói và làm được theo đúng nguyên tắc bảo đảm “Học đi đôi với hành”. Để thể hiện năng lực, học sinh phải huy động tổng hợp các yếu tố như kiến thức, kinh nghiệm, kĩ năng sẵn có, thái độ, động cơ và tình cảm của mình đối với công việc đó cũng như khả năng thích ứng với sự thay đổi của môi trường, đưa ra những sáng tạo cần thiết trong từng bối cảnh, tình huống cụ thể... Một trong những sự khác biệt của đánh giá dựa trên năng lực so với đánh giá dựa trên nội dung là đánh giá dựa trên năng lực không chú trọng đến việc so sánh kết quả học tập đạt được giữa các học sinh với nhau (nguyên nhân của sự ganh đua không lành mạnh và học vì điểm số) mà chú trọng đến sự tiến bộ của từng học sinh qua thời gian học tập (đánh giá vì sự tiến bộ) và dựa trên chuẩn của chương trình và chuẩn phát triển theo độ tuổi của học sinh.
Nhóm công tác về các kỹ năng cơ bản của Hội đồng Liên minh châu Âu về chương trình giáo dục và đào tạo 2010 đã phát triển một khung 8 năng lực chính cần hình thành cho học sinh gồm: 1) Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ; 2) Giao tiếp bằng tiếng nước ngoài; 3) Năng lực Toán học và Năng lực cơ bản về khoa học, công nghệ; 4) Năng lực kỹ thuật số; 5) Học cách học; 6) Năng lực liên cá nhân, liên văn hóa và xã hội, và năng lực công dân; 7) Năng lực làm chủ doanh nghiệp; 8) Năng lực biểu hiện văn hóa. Các quan điểm ưu tiên về các năng lực chính cần hình thành cho học sinh của các nước có trình độ phát triển kinh tế, xã hội và đặc trưng về phong tục, truyền thống văn hóa khác nhau thì không thể hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, các năng lực cơ bản để giúp học sinh sau khi ra trường có thể tự tin, chủ động tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội và hội nhập quốc tế thì phần lớn đều giống nhau.
2. Trong đánh giá dựa trên năng lực thì đánh giá quá trình (đánh giá thường xuyên, liên tục trong cả quá trình dạy học) được chú trọng nhiều hơn, trong khi vẫn thực hiện đánh giá tổng kết. Năng lực không thể hình thành một cách dễ dàng, tức thời mà phải có quá trình thông qua rèn luyện thường xuyên. Trong quá trình dạy học, có thể phát triển năng lực của học sinh bằng cách giao nhiệm vụ cho học sinh hoặc nhóm học sinh (phụ thuộc vào yêu cầu và mục tiêu, nội dung giáo dục, dạy học cụ thể). Dựa vào chuẩn chương trình, giáo viên có thể gợi ý hoặc nêu vấn đề cần phải giải quyết cho học sinh và cùng với học sinh chọn lựa các chủ đề, xác định cụ thể nhiệm vụ để tăng tính chủ động và sáng tạo của học sinh. Điều quan trọng là cùng với việc xác định nhiệm vụ thì các tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ cũng cần được công khai thảo luận để học sinh có căn cứ tiến hành và đánh giá sau khi hoàn thành. Thông qua các tiêu chí đánh giá này học sinh có thể tự nhận ra những điểm, vấn đề đã đạt hoặc chưa đạt, cần phải được bổ sung, điều chỉnh nhằm hoàn thành nhiệm vụ đúng thời gian với chất lượng theo yêu cầu. Việc đánh giá kết quả một cách công khai, minh bạch sẽ không gây ức chế, tạo áp lực mà còn giúp học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập. Việc phân công nhiệm vụ cho nhóm học sinh và hướng dẫn phối hợp thực hiện sẽ giúp hình thành năng lực liên cá nhân, hình thành năng lực công dân, giáo dục những người có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội cho đất nước. Trong khi cùng tham gia với học sinh, giáo viên cũng có cơ hội để hiểu thêm về tính cách, đặc điểm của học sinh để điều chỉnh các phương pháp, cách thức dạy học nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
3. Đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá được sử dụng như là phương pháp chủ đạo trong đánh giá năng lực. Để đánh giá năng lực đạt hiệu quả cao thì các mục tiêu, tiêu chí đánh giá từng môn học, từng tiết học cụ thể cần phải được thông báo trước cho học sinh và phụ huynh học sinh… Mục đích thông báo rộng rãi cho nhiều đối tượng, đặc biệt là phụ huynh học sinh là để họ phối hợp, hỗ trợ và theo dõi, giám sát việc dạy học của giáo viên và học sinh.
Đánh giá kết quả học tập dựa trên năng lực cung cấp thường xuyên thông tin cho cả giáo viên và học sinh cũng như gia đình… về sự phát triển của học sinh theo thời gian. Một số chương trình dạy học được tổ chức đánh giá dựa trên năng lực cho phép những học sinh có kết quả cao trong quá trình học tập có thể không cần tham gia vào kiểm tra đánh giá tổng kết vẫn được công nhận đã thực hiện xong chương trình học.
Đánh giá kết quả học tập dựa trên năng lực thực, mặc dù có những đòi hỏi đầu tư cả về chương trình giáo dục, đào tạo cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên và các dịch vụ giáo dục… nhưng hiện là xu hướng lựa chọn của giáo dục nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Để giáo dục Việt Nam phát triển, đáp ứng được mục tiêu giáo dục là đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, biết tự đánh giá được các giá trị, có tinh thần hợp tác, có trách nhiệm công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì định hướng về đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông trong chương trình sau 2015 nên chăng định hướng vào đánh giá dựa trên năng lực.
8 năng lực chính cần hình thành cho học sinh:
1) Giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ.
2) Giao tiếp bằng tiếng nước ngoài.
3) Năng lực Toán học và Năng lực cơ bản về khoa học, công nghệ.4) Năng lực kỹ thuật số.
5) Học cách học.
6) Năng lực liên cá nhân, liên văn hóa và xã hội, và năng lực công dân.
7) Năng lực làm chủ doanh nghiệp.
8) Năng lực biểu hiện văn hóa.
PGS.TS Nguyễn Minh Đức
(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam)
Theo GD&TĐ Online