Tuy không nằm trong chương trình giáo dục chính thức, nhưng sách tham khảo đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc cung cấp thêm kiến thức cho học sinh, sinh viên, những đối tượng đang trong lứa tuổi cần dung nạp thêm kiến thức.
Thời gian qua, một số cuốn sách tham khảo đã được xuất bản không đúng với mục tiêu giáo dục, cũng như thuần phong mỹ tục của Việt Nam, gây băn khoăn trong dư luận về những sơ hở trong biên tập, kiểm duyệt in ấn, phát hành sách tham khảo.
Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết trong năm 2012 và ba tháng đầu năm 2013, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Xuất bản, Bộ Bộ Thông tin và Truyền thông, đã xử lý sai phạm của 51 xuất bản phẩm của 27 nhà xuất bản.
Trong đó có những cuốn sách có nguồn gốc từ nước ngoài, dẫn chứng những hình ảnh không phù hợp, ví dụ như dùng cờ của nước ngoài để minh họa, mà đáng lẽ phải là cờ của Việt Nam. Một số cuốn sách sai phạm khi in hình ảnh về chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Bộ trưởng chỉ rõ, những sai phạm này trước hết là do lỗi của nhà xuất bản.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh Luật Xuất bản hiện hành đã ghi rất rõ: Trong hoạt động liên kết chỉ được liên kết khâu in và phát hành, không được liên kết khâu xuất bản, đặc biệt là khâu biên tập bản thảo. Thế nhưng, trong thời gian vừa qua, một số giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản không thực hiện đầy đủ quy định về vấn đề này, dẫn đến việc có những đối tác liên kết lấn sân vai trò, trách nhiệm của giám đốc, tổng biên tập nhà xuất bản.
Họ đã đưa vào những nội dung không đúng mà không bị xem xét để đưa ra khi ký phát hành, ký quyết định phê duyệt bản thảo. Khi ký phát hành thì không được kiểm tra kịp thời hoặc không thực hiện nộp lưu chiểu theo quy định. Sai sót nữa đến từ biên tập viên.
Có những biên tập viên do trình độ còn hạn chế hoặc trách nhiệm còn yếu, nên trước những vấn đề nhạy cảm về biên giới, chủ quyền lãnh thổ hoặc những vấn đề nhạy cảm khác thì không bóc tách được, dẫn đến những sai phạm này. Một nguyên nhân nữa là các cơ quan chủ quản nhà xuất bản cũng chưa nêu cao được vai trò, trách nhiệm của mình, gần như “khoán trắng” công việc đó cho các nhà xuất bản.
Trách nhiệm quản lý xuất bản
Đề cập đến trách nhiệm cụ thể của từng Bộ trong việc quản lý xuất bản, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định cả Bộ Thông tin và Truyền thông lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo đều có trách nhiệm trong việc quản lý xuất bản sách báo, trong đó có sách tham khảo.
Từ năm 1999, Bộ Văn hóa-Thông tin và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết phối hợp thực hiện Thông tư liên tịch số 35 quy định việc xuất bản và phát hành sách tham khảo dùng cho học sinh trong trường phổ thông. Trong thông tư liên kết đó đã quy định rất rõ trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chỉ đạo về nội dung, thẩm định nội dung, chỉ đạo và hướng dẫn sử dụng sách tham khảo, bổ trợ sách giáo khoa trong các trường phổ thông.
Trách nhiệm của Bộ Văn hóa-Thông tin trước đây, nay là Bộ Thông tin và Truyền thông là phải thực thi quản lý nhà nước trong hoạt động xuất bản và phát hành sách tham khảo cho học sinh các trường phổ thông.
Những chế tài của Thông tư 35 đến nay có những thay đổi trước sự phát triển chung của đất nước và của hoạt động xuất bản nói riêng. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phải phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có thể xem xét, bổ sung, cập nhật những yêu cầu mới theo hướng thay đổi Thông tư liên tịch số 35 bằng một Thông tư mới, chế tài những nội dung mà hai bộ cần quan tâm để góp phần nâng cao chất lượng sách tham khảo cho học sinh phổ thông.
Xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản
Khi phát hiện ra những sai phạm trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo kịp thời Cục Xuất bản có những hoạt động thực thi theo quy định của pháp luật để ngăn chặn những hành động này.
Cụ thể, Bộ đã chỉ đạo Cục Xuất bản thông báo cho các nhà xuất bản có những ấn phẩm sai phạm, giải trình và đưa ra những giải pháp để khắc phục những sai phạm đó đồng thời, thanh tra của Bộ cũng như thanh tra của các Sở Thông tin và Truyền thông tại các tỉnh, thành phố có xuất bản phẩm sai phạm, kịp thời xử lý theo đúng như trình tự, quy định của pháp luật.
Bộ cũng thông báo cho các cơ quan chủ quản nhà xuất bản để họ có trách nhiệm xem xét, đánh giá lại hoạt động của nhà xuất bản, đặc biệt là những nhà xuất bản có sai phạm bị xử lý. Bộ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền địa phương, sở Thông tin và Truyền thông cùng vào cuộc để thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những sai trái trong hoạt động xuất bản ngay từ khâu khai thác bản thảo.
Điểm mới trong Luật Xuất bản 2012
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Luật Xuất bản 2012 đã đưa ra một số điểm mới so với luật cũ.
Cụ thể, Luật đã quy định rất rõ về tiêu chuẩn, quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ của giám đốc, tổng biên tập cũng như biên tập viên nhà xuất bản; quy định việc cấp chứng chỉ và thu hồi chứng chỉ đối với biên tập viên, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của biên tập viên trong thực thi hoạt động xuất bản.
Điểm thứ hai là chế tài rất rõ những nội dung liên kết, phương thức, hình thức liên kết và đặc biệt là trách nhiệm pháp lý của các bên liên kết khi để xảy ra những sai phạm trong hoạt động xuất bản.
Điểm thứ ba là xây dựng một số chế tài mới như ngừng hoạt động hoặc thu hồi giấy phép, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với tổ chức, cá nhân khi có sai phạm trong hoạt động xuất bản.
Luật Xuất bản 2012 cũng đưa ra những quy định rất chặt chẽ với mức xử phạt cao hơn khi phát hiện ra hoạt động in lậu, in nối bản không đúng quy định của pháp luật. Những sai phạm này không chỉ bị xử phạt hành chính ở mức cao mà nếu nghiêm trọng còn có thể xử lý hình sự./.
Theo vietnamplus.vn