Buổi sáng khi ra thăm ruộng thấy nhiều cây ngô non bị cắn đứt gốc, cây nằm ngả nghiêng trên mặt ruộng. Bới đất quanh gốc cây sẽ thấy một hoặc nhiều con sâu màu đen hoặc xám. Đó là hiện tượng ruộng ngô đang bị sâu xám tấn công.
Sâu xám có tên khoa học là Agrotis ypsilon, là loài sâu hại rất phổ biến trên cây ngô. Sâu hại cây ngô non chủ yếu trong thời kỳ từ khi cây bắt đầu mọc đến khoảng 20 ngày sau khi trồng. Nếu trồng ngô trên nền đất có sẵn có mật số sâu cao mà không phòng trị kịp thời thì sẽ thiệt hạt rất lớn cho người trồng ngô, số cây non bị sâu cắn chết có thể tới 90%. Ngoài phá hại ngô non sâu xám còn phá hại cà chua, đậu các loại, bông vải và bầu bí.
Thành trùng của sâu xám có sải cánh dài 3-4 cm, thân màu nâu tối. Râu con cái hình sợi chỉ, râu con đực hình răng lược kép. Cánh trước có màu nâu hoặc màu đen, có 3 vân, vân giữa hình tròn, cuối cánh hình hạt đậu, cánh sau màu xám trắng. Trứng sâu xám hình bán cầu có nhiều gờ nổi. Trứng mới đẻ có màu trắng sữa, khi gần nở có màu tím.
Thành trùng đẻ trứng ở các kẽ lá cây, đám cỏ hoặc các vết nứt trên đất. Sâu non mới nở màu xám đất, lớn hơn có màu đất bóng, phần bụng màu nhạt hơn. Trên mỗi đốt phía trên có 4 u lông nhỏ, phía dưới có 4 u lông lớn. Nhộng có màu bóng.
Vòng đời sâu non có 5 tuổi, giai đoạn tuổi 1 sâu sống trên lá cây, chúng ăn phần mô lá tạo nên những vết thủng li ti trên bề mặt lá. Tuổi 2 sâu chui xuống đất, ban ngày nằm cuộn tròn ngay dưới gốc cây, ban đêm bò lên ăn phần non ngay gốc ngô tạo ra một vết thủng vừa cho sâu chui vào bên trong. Tuổi 3-4 sâu cắn ngang cây và chui vào trong thân cây, ăn những phần mô mềm làm rỗng thân cây khiến cây héo rũ và chết.
Biện pháp phòng trừ
- Trước khi tiến hành xuống giống cần vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, dọn hết cỏ dại quanh bờ và mặt ruộng. Cày ải phơi khô đất nhằm phá vỡ vòng đời của sâu.
- Nếu áp lực sâu quá mạnh thì cần luân canh cây trồng. Thay vụ ngô bằng một loại cây trồng nào đó mà sâu không phá được.
Gieo trồng đúng thời vụ và đồng loạt.
- Dùng cám rang thơm trộn với thuốc Vibasu 10G để bẫy sâu. Cám rang có mùi thơm sẽ dẫn dụ sâu bu đến ăn. Trộn 2 kg cám với 0,5 kg thuốc, rải cho 1.000m2, mồi được rải dọc theo hàng ngô trước khi trời tối.
- Sử dụng một trong các loại thuốc trừ sâu dạng hạt như Basudin 10H, Vibasu 10G, Furadan 3G, Regent 3G, Padan 4G. Khi tra hạt xong trộn thuốc với tro trấu và phủ lên hạt giống theo liều khuyến cáo, nếu nhiều sâu thì tăng lượng thuốc gấp 1,5-2 lần. Có thể dùng các loại thuốc để phun như Basudin 50ND, Cyperan 25EC, Karate 5EC, Bian 50EC. Nên phun thuốc vào buổi chiều tối trước khi sâu bò lên ăn.
Theo NNVN