Cập nhật: 29/04/2010 14:58:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo thông báo mới nhất của Google, phần mềm diệt virus giả lây lan qua mã độc là một sự đe dọa mới đối với người dùng Internet. Nhưng một số chuyên gia cho rằng virus lây lan là do Google.

Qua phân tích 240 triệu trang web trong hơn 13 tháng, Google tổng kết phần mềm diệt virus giả (fake antivirus) chiếm 15% toàn bộ số mã độc mà hãng phát hiện ra.

 

Phần mềm diệt virus giả (fake antivirus), thực chất là những cảnh báo được tội phạm mạng thiết kế để dọa người dùng máy tính chi tiền mua các giải pháp diệt virus giả hoặc đánh cắp các thông tin cá nhân, thẻ tín dụng.

 

Phân tích của Google cũng cho thấy rất nhiều nạn nhân đã bỏ tiền ra và mua các giải pháp diệt virus giả mạo mà không biết mã độc tiếp tục tồn tại trên máy tính của mình.

 

Giao diện một chương trình diệt virus giả mạo. Ảnh: Instantfundas
 

Phần mềm diệt virus giả mạo đầu tiên được Google phát hiện ra vào tháng 3/2007. Đến nay hãng này đã phát hiện được hơn 11.000 tên miền có dính líu đến hoạt động phát tán phần mềm diệt virus giả  và hơn một nửa số phần mềm diệt virus giả xuất hiện qua quảng cáo.

 

Niels Provos, kỹ sư phần mềm của Google cho biết phần mềm virus giả đã tăng 5 lần kể từ hãng này bắt đầu thực hiện các phân tích mã độc từ tháng 1/2009 đến tháng 2/2010.

 

Cũng theo Niels Provos, cách duy nhất người dùng có thể làm khi máy tính bị nhiễm phần mềm diệt virus giả mạo là cài lại hệ điều hành mới.

Graham Cluley, kỹ sư hàng đầu của hãng bảo mật Sophos, lại cho rằng tốc độ lây lan nhanh của các phần mềm diệt virus giả mạo một phần là do chính Google.

Theo Graham Cluley, một trong những cách quan trọng để hacker lây lan chương trình diệt virus giả mạo là nhờ vào kỹ thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm 'mũ đen'.

 

Theo đó khi có một sự kiện nóng hổi ví dụ như cái chết của Michael Jackson, tin tặc sẽ tạo ra nhiều website về nội dung sự kiện và nhờ vào kỹ thuật tối ưu hóa công cụ tìm kiếm để đưa nó lên đầu trong kết quả tìm kiếm của Google.

 

Khi người dùng truy cập vào các website đó sẽ bắt gặp một cửa sổ pop-up với liên kết đến các phần mềm diệt virus giả mạo.

 

Ông Cluley cũng đưa ra lời khuyên người dùng nên tin tưởng vào chương trình diệt virus mà họ đang có.

Google đưa ra danh sách một số chương trình diệt virus/bảo mật người dùng có thể tin tưởng:

 

ESET Smart Security

Kaspersky Lab Internet Security

Lavasoft Ad-Aware

Microsoft Security Essentials

Norton Internet Security

Spyware Doctor

Sunbelt Software CounterSpy

 

 

 

Theo Báo Đatviet online

Tệp đính kèm