Cập nhật: 10/03/2011 23:09:16 Article Rating
Xem cỡ chữ

Sáng 10.3, tàu con thoi Discovery đã hạ cánh an toàn xuống Trung tâm vũ trụ Kennedy, bang Florida của Mỹ, kết thúc gần 27 năm hoạt động.

Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trong 13 ngày trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) (ban đầu dự kiến là 11 ngày), các nhà du hành vũ trụ của tàu đã lắp đặt một module buồng ngủ, hoàn thành một số sửa chữa, lắp đặt và chuyển giao món hàng đặc biệt là người máy đầu tiên trên vũ trụ có tên gọi là Robonaut 2 (R2). Đây sẽ là "cư dân lâu dài" trên ISS.

 

R2 nặng khoảng 150kg bao gồm đầu và thân mình với hai cánh tay và bàn tay. Sau khi được lắp ráp (dự kiến việc lắp ráp mất khoảng vài tháng), thời gian đầu, robot này sẽ hoạt động bên trong phòng thí nghiệm Destiny của ISS và sau đó phạm vi hoạt động và các ứng dụng của robot mới có thể được mở rộng.

 

Trên ISS, nhiệm vụ chủ yếu của R2 là giúp các chuyên gia hiểu quy trình hoạt động của các robot trong vũ trụ. Tuy nhiên, các nhà chế tạo robot hy vọng thông qua những cải tiến, một ngày nào đó, R2 có thể sẽ mạo hiểm ra bên ngoài ISS để giúp các chuyên gia kỹ thuật sửa chữa, lắp đặt bổ sung thiết bị cho ISS hoặc tiến hành các nghiên cứu khoa học.

 

Tàu con thoi Discovery được phóng từ Trung tâm vũ trụ Kennedy vào ngày 24/2 và tới ISS vào ngày 26/2. Đây là chuyến bay thứ 39 và cũng là chuyến bay cuối cùng của Discovery.

 

Kể từ chuyến bay đầu tiên vào năm 1984 đến nay, con tàu "lớn tuổi" nhất của NASA đã vượt qua quãng đường dài 241 triệu km, với 365 ngày trên vũ trụ và bay vòng quanh Trái Đất 5.800 lần, mang theo 180 nhà du hành và hệ thống kính viễn vọng Hubble Space. Chuyến bay này của Discovery đã "mở màn" kế hoạch của NASA cho ba tàu con thoi "nghỉ hưu."

 

Dự kiến, Endeavour sẽ thực hiện chuyến bay cuối vào ngày 19/4 tới và tàu Atlantis là ngày 28/6. Sau đó, Mỹ sẽ phải dựa vào tàu "Liên hiệp" (Soyuz) của Nga trong việc đưa các phi hành gia lên ISS cho đến khi đưa vào hoạt động tàu vũ trụ mới có tên "taxi vũ trụ" vào khoảng năm 2015./.

 

Theo TTXVN+

Tệp đính kèm