Hằng năm, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH-CNVN) thực hiện hàng trăm đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ các cấp.
Trong đó không ít vấn đề nảy sinh từ nhu cầu đời sống xã hội. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách trong mối quan hệ giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp, cần từng bước tìm cách tháo gỡ và gắn kết với nhau hơn.
Những năm gần đây, đội ngũ cán bộ Viện KH-CN VN đang hạn chế dần những đề tài nghiên cứu mang tính hàn lâm, coi trọng các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn đời sống. Năm năm qua (2006 - 2010), các đơn vị nghiên cứu của Viện KH-CNVN đã triển khai, thực hiện hơn 50 đề tài thuộc chương trình trọng điểm và đề tài độc lập cấp Nhà nước với tổng kinh phí đầu tư hơn 167 tỷ đồng. Các đề tài mà Viện được giao chủ trì thực hiện đều là những vấn đề có tính khoa học và thiết thực với cuộc sống. Khá nhiều nội dung nghiên cứu về công nghệ cao như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu, công nghệ vũ trụ; những vấn đề phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, về biển đảo và phòng tránh giảm nhẹ thiên tai... Cuối năm 2010, hàng chục đề tài trọng điểm cấp Nhà nước được nghiệm thu đánh giá. Ðáng chú ý phải kể đến một số đề tài nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vật liệu như 'nghiên cứu chế tạo vật liệu nanochitosan, ứng dụng trong dược phẩm, sinh học và nông nghiệp' do PGS,TS Ðỗ Trường Thiện (Ban Ứng dụng và triển khai công nghệ) chủ trì. Bước đầu nhóm nghiên cứu đã thực hiện được các công đoạn: tổng hợp nanochitosan có kích thước 200 - 400 nm từ chitosan với a-xít Suc Ciníc, tổng hợp nanochitosan có kích thước khoảng 300 - 650 nm từ natri-tripolyphosphat và chitosan. Ðồng thời sản xuất được 15 kg chất kích thích sinh trưởng dạng bột và 250 lít sản phẩm kích thích sinh trưởng dạng lỏng, đưa vào thử nghiệm cho lúa ở một số địa phương đồng bằng Bắc Bộ. Cuối vụ thu hoạch cho kết quả là năng suất lúa tăng hơn 9%. Theo tác giả đề tài thì năm 2011 này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa vào kế hoạch triển khai dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước để từ đó có thể áp dụng trên diện rộng.
Công nghệ sinh học (CNSH) có vai trò to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Nằm trong chương trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH, mấy năm gần đây, Viện KH-CNVN, là một trong những nơi tham gia khá nhiều đề tài, dự án và không ít công trình đã phát huy tác dụng vào thực tiễn đời sống. PGS,TS Phan Văn Chi (Viện CNSH) với đề tài 'Xây dựng Ngân hàng dữ liệu protein, huyết thanh người Việt Nam để phối hợp chẩn đoán bệnh đái tháo đường typ 2 và ung thư máu', sau ba năm cùng nhóm nghiên cứu đã xây dựng được ba Ngân hàng dữ liệu về hệ protein huyết thanh người Việt bình thường, người bệnh đái tháo đường typ 2 và người bệnh leukemia với tổng số 12 cơ sở dữ liệu. Các tác giả cũng đã xác định số thứ tự, tên các protein, chức năng của protein, vị trí của chúng trong tế bào, những biến đổi của protein liên quan đến bệnh tật (nếu có). Trên cơ sở đó tiến hành phân tích, nhận dạng và chọn các 'ứng viên' có khả năng làm chỉ thị protein đối với bệnh đái tháo đường typ 2 và bệnh leukemia bằng phương pháp điện di 2DE. Cũng theo hướng ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, PGS Hoàng Thanh Hương (Viện hóa học các hợp chất thiên nhiên) trong đề tài 'Nghiên cứu sàng lọc một số dược liệu để phân lập một số chất mới có tác dụng diệt tế bào ung thư', đã bước đầu đánh giá nguồn dược liệu có khả năng tiêu diệt tế bào ung thư từ 42 mẫu thực vật và 10 sinh vật biển. Nhóm nghiên cứu tập trung thử nghiệm, tách chiết hai, ba chất mới có hoạt tính hỗ trợ diệt tế bào ung thư từ năm loại cây: bòn bọt, cẩu tích, cỏ roi ngựa Verbena, cây tinospora, hải miên và san hô mềm lobophytum.
Lĩnh vực phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, những năm qua cũng thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học với nhiều đề tài được nghiên cứu. Ðáng chú ý phải kể đến dự án 'Tăng cường mạng lưới quan sát động đất, phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần' (giai đoạn 2009 - 2013). Mục đích của dự án, như TS Lê Huy Minh, Viện phó Vật lý địa cầu cho biết là xây dựng một hệ thống gồm 30 trạm địa chấn và Trung tâm xử lý số liệu động đất có khả năng ghi nhận nhanh chóng, đầy đủ các trận động đất có cường độ từ 3,5 độ rích-te trở lên. Với hệ thống trạm địa chấn như vậy, ngoài việc đáp ứng yêu cầu báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, nó còn phục vụ cho nghiên cứu, đánh giá độ nguy hiểm của động đất đối với công tác quy hoạch và kháng chấn trong xây dựng những công trình lớn. Toàn bộ mạng lưới trạm địa chấn giải rộng này sẽ được kết nối vào hệ thống các trạm địa chấn vùng Ðông - Nam Á và nhiều nước trên thế giới tạo điều kiện cho công tác báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ở nước ta thuận lợi hơn. Ðây là dự án có ý nghĩa hết sức cấp thiết, nhất là sau trận động đất mạnh 9 độ rích-te kéo theo sóng thần kinh hoàng xảy ra hôm 11-3 ở Nhật Bản, làm hơn hai mươi nghìn người chết và mất tích.
Tuy nhiên với một nguồn nhân lực hơn 2.500 cán bộ trong biên chế, trong đó có khoảng 250 GS và PGS, hơn 700 TSKH và TS, hàng trăm nghiên cứu viên cao cấp thì những kết quả nói trên chưa tương xứng với tiềm năng của Viện. Một số hạn chế, bất cập, như các chuyên gia thường nói đó là việc tạo dựng các nhóm nghiên cứu, tính liên kết giữa các Viện chuyên ngành còn thấp. Bên cạnh một số đề tài giá trị thực tiễn chưa cao thì hơn 30 năm qua, Viện KH-CNVN vẫn chưa có những kết quả nghiên cứu mang tính 'đột phá', góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra. Bởi vậy số lượng các công bố quốc tế cũng như phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích của Viện thời gian qua còn khiêm tốn. Có lẽ vì thế chăng mà mối quan hệ, liên kết giữa nhà khoa học và nhà doanh nghiệp ngoài xã hội ở đây, lâu nay còn không ít khó khăn, vướng mắc... mà thời gian tới, đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn trong nghiên cứu, sáng tạo nhằm thương mại hóa các kết quả khoa học - công nghệ vào đời sống ở mức cao hơn.
Theo Nhandan Online