Cập nhật: 23/04/2011 17:29:49 Article Rating
Xem cỡ chữ

Năm 2011 là năm khởi động của đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT và TT). Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) được Chính phủ giao chủ trì và cùng các đơn vị bộ, ngành thực hiện Ðề án.

Ðể hiểu thêm những thuận lợi và khó khăn  khi bắt tay vào thực hiện Ðề án, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi ý kiến với Bộ trưởng TT và TT LÊ DOÃN HỢP chung quanh vấn đề này.

 

Phóng viên (PV): Phát triển CNTT và TT hiện nay được đánh giá là nền tảng để thực hiện thành công  nhiệm vụ và mục tiêu trong đề án, vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về  điều này?

 

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp (BT LDH): CNTT có tỷ lệ đóng góp gần 15% GDP của đất nước, nước ta là một trong 10 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm xuất khẩu. Nước ta đã có tên trên bản đồ CNTT thế giới; Hạ tầng viễn thông Việt Nam đã đạt chuẩn quốc tế, ứng dụng được triển khai rộng khắp. Hiện nay, Việt Nam được xếp vào danh sách các nước trung bình trong khu vực với thu nhập bình quân gần 1.200 USD và trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới. CNTT có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế đất nước nói chung và đối với các ngành kinh tế chủ lực nói riêng. Ðồng thời đang đứng trước xu thế phát triển của thế giới với sự hội tụ điện tử, viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình, sự chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm sang dịch vụ CNTT, sự bùng nổ công nghiệp nội dung số, xu thế ứng dụng và phát triển CNTT xanh. Bối cảnh mới, cơ hội mới tạo ra những tiền đề cho phép ngành CNTT và TT nước ta hoàn toàn có thể tăng tốc phát triển nhanh hơn, mạnh hơn trong thời gian tới. Chính vì thế chúng ta hoàn toàn yên tâm về nền móng hiện nay. Tuy nhiên để đáp ứng được mong mỏi của cộng đồng CNTT, thể hiện quyết tâm của Chính phủ, nhằm tăng tốc phát triển ngành kinh tế mũi nhọn này, đưa nước ta sớm trở thành nước mạnh về CNTT và TT trong khu vực và trên thế giới, Bộ TT và TT đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của đề án.

 

PV: Bộ trưởng có thể cho biết những  mục tiêu, quan điểm chỉ đạo chính của đề án?

 

 BT LDH:  Ðề án có sáu mục tiêu chính, đó là về nguồn nhân lực CNTT: 30% số kỹ sư CNTT, điện tử viễn thông, sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Tỷ lệ người dân sử dụng in-tơ-nét đạt hơn 50%.

 

Mục tiêu về CNTT: Các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất một số sản phẩm phần cứng mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nước ta nằm trong số 15 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT Việt Nam được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa.

 

Mục tiêu về hạ tầng viễn thông băng rộng: Cơ bản hoàn thành băng thông rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối in-tơ-nét đến tất cả các trường học; Phủ sóng băng thông rộng đến 85% dân cư.

 

Mục tiêu về phổ cập thông tin: Ðến năm 2015 hầu hết các hộ gia đình có máy điện thoại; 20-30% số hộ gia đình có máy tính và truy cập in-tơ-nét băng rộng, hơn 90% số hộ gia đình có máy thu hình, trong đó 80% số hộ xem truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.

 

Mục tiêu về ứng dụng CNTT: Cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp, 80% số doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng CNTT trong hệ thống giáo dục y tế, v.v

 

Mục tiêu xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường: Phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn CNTT đạt trình độ, quy mô khu vực và quốc tế, một số doanh nghiệp có doanh thu hơn 10 tỷ USD.

 

Ðể thực hiện các mục tiêu này, cần: tăng tốc phát triển CNTT và TT trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có. Phát triển hợp lý cả bề rộng, số lượng và chất lượng trên cơ sở phát huy nội lực, tận dụng kiến thức, kinh nghiệm và các nguồn lực quốc tế. Sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư kích cầu từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển. Áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất dành cho công nghệ cao, công tác nghiên cứu, đào tạo khoa học và công nghệ cho các khu CNTT tập trung, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp cá nhân cung cấp các sản phẩm, dịch vụ CNTT.

 

PV: Với sáu mục tiêu cụ thể trên, Bộ TT và TT xác định và ưu tiên thực hiện mục tiêu nào trước, thưa Bộ trưởng?

 

BT LDH: Xác định  con người là yếu tố tiên quyết đến việc thành bại, chúng tôi ưu tiên số một việc đào tạo nguồn nhân lực và đã nhanh chóng bắt tay triển khai một loạt hoạt động như: Chương trình trao đổi cùng Bộ Giáo dục và Ðào tạo triển khai nhanh kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tăng cường chất lượng đào tạo ngang tầm quốc tế, phổ cập kiến thức, kỹ năng CNTT trong trường trung cấp. Tăng cường khả năng thông tin, dự báo và định hướng phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, tạo cơ chế đặc thù để tăng quyền tự chủ cho cơ sở đào tạo. Xây dựng chuẩn kỹ năng và hệ thống sát hạch nhân lực CNTT theo chuẩn quốc tế, nhằm đưa ra tiếng nói chung giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Có cơ chế cho sinh viên vay vốn ưu đãi để học tiếng Anh ở trình độ nâng cao. Huy động các nguồn vốn xã hội hóa phục vụ nâng cấp trang thiết bị thí nghiệm, nhằm tăng tỷ lệ thực hành trong chương trình học, tăng cường các môn học về phát triển kỹ năng phần mềm như kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình, giao tiếp, tư duy sáng tạo. Tạo mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp CNTT, theo sát nhu cầu nhân lực CNTT, thường xuyên cập nhật chương trình đào tạo, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Ðẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên; cần có cơ chế đặc thù thu hút chuyên gia CNTT trong và ngoài nước tham gia giảng dạy tại các trường đại học, hướng đến mục tiêu xây dựng các trường đại học về CNTT có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế.

 

 PV: Thưa Bộ trưởng, vấn đề hạ tầng viễn thông và CNTT đã có những bước thực hiện như thế nào?

 

BT LDH: Toàn ngành sẽ quyết tâm thực hiện thành công đề án, trong đó tập trung phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và CNTT. Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, phát triển băng thông rộng đến các xã, phường, thôn, bản, trên cả nước, phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Ðảng và Nhà nước. Ðặc biệt, tích cực triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, phấn đấu để các hộ gia đình trong toàn quốc được hưởng thụ đầy đủ các dịch vụ bưu chính viễn thông, in-tơ-nét, phát thanh, truyền hình, sách báo, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền của Ðảng, Nhà nước. Nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật. Giai đoạn 2010-2015, mạng viễn thông băng rộng sẽ phủ tới 100% số xã trong cả nước, có khoảng 35-40% số hộ gia đình sử dụng in-tơ-nét  băng thông rộng.

 

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Theo Nhandan Online

Tệp đính kèm