Tại hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng - Khả năng triển khai tại Việt Nam” diễn ra ngày hôm qua, 30/6, các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đã bàn bạc tìm các giải pháp cho vấn đề lựa chọn công nghệ xử lý rác ở Việt Nam.
Rác thải ở Việt Nam đang là một hiện trạng đáng lo ngại. Cùng với sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số cộng với sự lãng phí tài nguyên trong thói quen sinh hoạt của con người, rác thải có số lượng ngày một tăng, thành phần ngày càng phức tạp và tiềm ẩn ngày càng nhiều nguy cơ độc hại với môi trường và sức khoẻ con người. Là một nước đang phát triển, tốc độ tăng các rác thải sinh hoạt ở cả thành thị và nông thôn, rác thải công nghiệp, y tế ở nước ta còn nhanh hơn các nước khác, từ năm 2003 đến 2008 tăng gấp 2 lần.
Tình hình trong thời gian gần đây đã trở nên bức xúc, đặc biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Ví dụ tại Hà Nội, khối lượng rác thải sinh hoạt tăng trung bình 15%/năm, vởi tổng lượng ước tính 5.000 tấn/ngày đêm, và dự đoán chỉ sang năm (2012) có thể không còn chỗ để đổ rác. Thành phố Hồ Chí Minh mỗi ngày có trên 7.000 tấn rác thải sinh hoạt, mỗi năm cần 235 tỷ đồng để xử lý.
Tuy nhiên, hầu hết rác thải sinh hoạt vẫn chỉ được chôn lấp tại các bãi đổ, là hình thức thô sơ nhất với nhiều nhược điểm như tốn diện tích đất, mùi hôi thối ảnh hưởng đến khu dân cư, có thể trở thành nguồn phát sinh dịch bệnh, tác động nghiêm trọng tới môi trường và không tận dụng được các nguyên liệu có thể tái sinh.
Nước rỉ rác thải tự do thấm xuống đất, gây ô nhiễm nguồn nước. Số lượng rác được “chế biến” chiếm một tỷ lệ rất thấp và có những công nghệ đã thành công như chuyển hoá rác thành phân vi sinh hay đốt và xưử lý khí thải trước khi phóng thả ra ngoài trời (chưa thu hồi nhiệt và kết hợp sản xuất điện) hoặc lấy tro xỉ làm vật liệu xây dựng với quy mô nhỏ bé.
Các rác thải công nghiệp, qua báo cáo của TS Nguyễn Trung Việt (Sở Tài nguyên-Môi trường TP. Hồ Chí Minh) và rác thải y tế, qua báo cáo của PGS. TS Nguyễn Huy Nga (Cục quản lýmôi trường y tế, Bộ Y tế) tình hình cũng không khá hơn là bao với rất nhiều vần đề chưa giải quyết được.
Bởi vậy cuộc Hội thảo “Công nghệ đốt chất thải tái tạo năng lượng - Khả năng triển khai tại Việt Nam” là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia đề xuất ý kiến, tìm các giải pháp cho vấn đề cấp bách về lựa chọn công nghệ xử lý rác ở Việt Nam.
Trong phương hướng lựa chọn công nghệ, hướng ưu tiên là “Đốt chất thải để tái tạo năng lượng”. Hội thảo đã nghe GS. TS Đặng Kim Chi (Hội bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam) phân tích, đánh giá hiệu quả kinh tế xã hội và môi trường của giải pháp đốt chất thải tái tạo năng lượng trong điều kiện Việt Nam.
Theo báo cáo của GS Chi, đây là công nghệ đốt rác thải tái tạo năng lượng là hướng xử lý tiềm năng và là công nghệ của tương lai đem lại nhiều lợi ích kinh tế - xã hội, góp phần tích cực vào việc cải thiện môi trường theo hướng xanh – sạch – đẹp, là sự lựa chọn tốt nhất những nước có diện tích hẹp, mật độ dân số cao, công nghiệp phát triển và phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Để minh họa cho công nghệ “Đốt chất thải tái tạo năng lượng”, Tập đoàn Martin/Mitsubishi Heavy Industríe Environmental&Chemical Engineering Co., Ltd (viết tắt MHIEC) cũng cử đại diện sang tham gia hội thảo, giới thiệu những nét chính về dây chuyền công nghệ của những nhà máy xử lý rác thành điện mà họ đã có rất nhiều kinh nghiệm thu được từ việc xây dựng cho 31 nước trên thế giới.
Theo PV Vietnamnet