Với hệ thống cột thu lôi Franklin, khi có sét, dòng điện sẽ nhanh chóng được dẫn xuống đất, hạn chế gây ra thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh, nhà có cột thu lôi không có nghĩa là an toàn tuyệt đối, hiệu quả chống sét không thể đạt 100%...
Chỉ tính riêng trong tháng 6, sét đã cướp đi tính mạng của hàng chục người, thiêu rụi nhiều công trình, thiệt hại tài sản chưa tính hết. Tháng 7 là cao điểm của dông sét. Các nhà khoa học khuyến cáo, vì sét mang tính ngẫu nhiên, bất ngờ nên không có vị trí an toàn tuyệt đối, song người dân vẫn có thể chủ động phòng tránh sét bằng những biện pháp đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả...
Mỗi năm Việt Nam bị 2 triệu cú sét đánh
TS Nguyễn Xuân Anh - Phó Viện trưởng Viện Vật lí địa cầu (Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam) - Chủ nhiệm đề tài KHCN độc lập cấp nhà nước "Nghiên cứu dông sét và đề xuất các giải pháp phòng chống ở Việt Nam", khẳng định: "Trên thế giới có 3 tâm dông sét: châu Á, châu Phi, châu Mĩ. Trong đó, Việt Nam nằm ở tâm dông sét châu Á. Trung bình mỗi năm, Việt Nam có khoảng 2 triệu lần sét đánh xuống đất. Mùa dông sét ở Việt Nam rất dài (từ tháng 4 đến tháng 10, trong đó cao điểm là tháng 7), trong khi hầu hết các gia đình ở nông thôn đều không trang bị hệ thống chống sét".
Việc phân bố dông sét ở Việt Nam không đồng đều. Những khu vực xuất hiện nhiều dông sét là Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), Yên Thành (Nghệ An), Đồng bằng sông Cửu Long...
"Sở dĩ có sự khác biệt về tần suất dông sét giữa các địa phương là do điều kiện khí hậu có sự phân hóa. Vùng có nhiễu động khí quyển mạnh, có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng luôn có nguy cơ về sét cao hơn. Nhiều người đã sai lầm khi cho rằng, vùng có khoáng sản sẽ hứng sét nhiều hơn. Thực tế, khoáng sản chỉ tác động tới dòng sét và nơi nào có nhiều khoáng sản lại ít chịu thiệt hại hơn, do dòng sét đánh xuống được lan truyền xuống đất nhanh hơn. Hà Nội, TP HCM vẫn có nguy cơ cao về sét, song vì có nhiều công trình cao tầng giúp dòng sét thoát nhanh, nên đôi khi bị sét đánh mà nhiều người không nhận ra" - TS Anh khẳng định.
Về mặt khoa học, rất khó để dự đoán một cách gần chính xác thời điểm, vị trí sét đánh. Trong mỗi cơn dông thường kéo dài 4 giờ, có thể có 10.000 cú phóng điện, trong đó có 1-2.000 cú phóng điện xuống đất. Biến đổi khí hậu làm Trái đất nóng lên cũng sẽ làm gia tăng tần suất, cường độ sét. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, do đó nguy cơ sét cũng sẽ cao hơn. Thậm chí, ngay cả các chuyến bay hàng không cũng bị đe dọa an toàn trong thời tiết dông bão.
Theo tính toán của Viện Vật lí địa cầu, trung bình cứ 3.000 giờ bay thì có 1 lần bị sét đánh. Tuy nhiên, do máy bay có thiết kế hệ thống tiêu chuẩn nghiêm ngặt nên sét sẽ chỉ chạy trên lớp vỏ bề mặt, không gây nguy hiểm cho hành khách.
Để tránh những cái chết thương tâm trên cánh đồng bởi sét, TS Xuân Anh cho rằng, các địa phương nên trích kinh phí để xây dựng nhà tránh sét cho nông dân: "Khi làm việc ở ngoài đồng, gặp dông sét bất ngờ, người nông dân cần có nơi trú ẩn an toàn. Sét thường chọn đối tượng cao nhất để đánh, bởi thế, giữa một cánh đồng trơ trụi, con người sẽ ở vị trí cao nhất, dễ bị sét nhằm vào. Nếu địa phương không có kinh phí xây dựng nhà bê tông, thì có thể dựng một số chòi có lắp đặt hệ thống chống sét, bố trí rải rác trên cánh đồng, để người nông dân có thể di chuyển đến nhanh nhất. Kể cả những vùng chưa từng bị sét đánh thì chính quyền và người dân cũng không được chủ quan, bởi xác suất rủi ro từ sét không loại trừ nơi nào".
Nhà có cột thu lôi vẫn chưa an toàn tuyệt đối
Sét là hiện tượng ngẫu nhiên, bất ngờ nên không có vị trí an toàn tuyệt đối. Tuy nhiên, việc chủ động phòng tránh có thể giảm thiểu nhiều nguy cơ do sét gây ra. Nguyên tắc chống sét chung là tìm con đường nhanh nhất để dẫn điện từ tia sét xuống đất. Người dân có thể tự thiết kế, thi công hệ thống chống sét cho ngôi nhà của mình, đơn giản nhất là hệ thống cột thu lôi Franklin.
Hệ thống gồm 3 phần: kim thu sét, dây dẫn và bộ phận tiếp đất. Kim thu sét được làm bằng thép có độ dài từ 0,5-1,5m. Số lượng kim thu sét phụ thuộc vào chiều cao, kích thước tòa nhà, thường là từ 3-5 kim thu sét nối với nhau, được gắn ở nơi cao nhất trên nóc nhà. Bộ phận thu sét phải được nối với hệ thống dây dẫn bằng kim loại. Số lượng dây cũng phụ thuộc vào kích thước tòa nhà, thường chỉ cần 2 dây ở 2 đầu nhà, nhưng nếu nhà to thì cần nhiều dây hơn. Dây dẫn xuống được gắn với bộ phận tiếp đất, thường là những thanh thép mạ kẽm được chôn sâu từ 2,5-3m dưới lòng đất, cách nhà từ 10-20m (hợp với khu vực nông thôn).
Với hệ thống này, khi có sét, dòng điện sẽ nhanh chóng được dẫn xuống đất, hạn chế gây ra thiệt hại về người, tài sản. Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh, nhà có cột thu lôi không có nghĩa là an toàn tuyệt đối, hiệu quả chống sét không thể đạt 100%. Mặc dù kim thu sét có khả năng hút sét khá tốt, song rất nhiều trường hợp sét vẫn đánh thẳng vào nhà, bỏ qua kim thu sét.
Ngay cả khi sét đánh vào kim thu sét thì hiệu quả truyền xuống đất cũng chỉ đạt khoảng 80%, không thể phân tán toàn bộ lượng điện. Sóng điện từ sét có thể gây ra tác động từ xa lên các mạch điện, gọi là sét đánh cảm ứng. Do vậy, để đảm bảo an toàn cho các thiết bị điện tử trong nhà vẫn cần sử dụng thêm thiết bị cắt lọc sét.
Hiện nay, trên thị trường có bày bán nhiều loại kim thu sét được quảng cáo là có khả năng phát xạ sớm với giá thành rất cao (10-20 triệu), trong khi loại thông thường chỉ khoảng 200.000 đồng. Tuy nhiên, TS Xuân Anh cho rằng, trên thực tế những kim thu sét này không có được hiệu quả thần kì như quảng cáo. Hơn nữa, nếu việc lắp đặt không khoa học, thiết kế không đúng thì thiết bị đắt tiền cũng vô nghĩa. Giải pháp chống sét bằng tia laser mang lại hiệu quả rất cao nhưng chi phí vô cùng đắt đỏ nên chỉ có thể áp dụng cho những khu vực đặc biệt quan trọng: kho vũ khí, nhà máy điện hạt nhân, trung tâm điều hành bay, trung tâm mạng máy tính...
Viện Vật lí địa cầu đang triển khai thử nghiệm hệ thống cảnh báo dông sét sớm tại Quảng Nam nhờ vào các thiết bị hiện đại: rađa, vệ tinh, hệ thống định vị phát điện... Thiết bị này có thể lắp đặt tại các khu vực: bãi tắm, sân bay, cánh đồng, khu công nghiệp... giúp cảnh báo dông sét sớm từ 30 phút đến 1 giờ, trong bán kính rộng tới 50km. Khi nhận được tín hiệu về khả năng xuất hiện dông sét, thiết bị sẽ rú còi báo động. Hiện tại, Viện Vật lí địa cầu cũng đã lắp đặt thiết bị EFM và ESID tại Phú Thụy (Gia Lâm - Hà Nội) để thử nghiệm cảnh báo sét.
Các quy tắc chống xét bảo vệ con người(Tài liệu của Viện Vật Lí địa cầu)
1. Nghe dự báo thời tiết để lên kế hoạch làm việc và đề phòng. Khi làm ở khu vực nào đó, để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn. Phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Thường thì cơn dông kéo đến rất nhanh trong vòng 15 phút và di chuyển với vận tốc 40km/giờ. Do vậy, khi đang ở nơi không an toàn thì cần phải để ý đến các dấu hiệu của dông như mây đen, không khí lạnh, gió, bởi ngay sau đó, dông sét sẽ đến rất nhanh.
2. Thực hiện qui tắc nhìn - nghe. Khi sét xảy ra, thoạt tiên ta thấy tia chớp loé lên và sau đó là có tiếng sấm kèm theo. Nếu bạn tính khoảng thời gian từ lúc tia chớp loé lên và lúc nghe thấy tiếng sấm thì có thể xác định được khoảng cách tới nơi sét xảy ra. Chia khoảng thời gian ước tính được cho 3 sẽ tính được khoảng cách đến tia sét. Ví dụ nếu đếm được 3 giây thì sét cách vị trí đứng là 3/3= 1km. Nếu như khoảng thời gian đếm được nhỏ hơn 30 giây thì bạn đã nằm trong tầm ngắm của tia sét rồi và phải cẩn thận. Nếu thời gian này nhỏ hơn 20 giây thì phải di chuyển đến nơi an toàn hơn. Khi nghe thấy tiếng sấm đầu tiên bất kể là gì cũng cần phải thấy nguy hiểm đã đến. Sét có thể đánh cách xa nơi có mưa tới 15-20km.
Thi công hệ thống chống sét là cách đơn giản, hiệu quả để bảo vệ con người.
3. Tránh sét trong nhà. Khi trời sắp xảy ra dông, thì biện pháp tránh sét tốt nhất là nên về nhà. Chỗ an toàn để tránh sét là toà nhà, hay công sở có lắp đặt hệ thống chống sét. Khi ở trong nhà thì nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại trừ trường hợp rất cần thiết. Nên rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có dông. Với các đường dây điện thoại hay dây điện, vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền. Bởi vậy nên tránh xa các dây điện, vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Vô tuyến nối với dây anten để ngoài trời cũng rất cần rút ra khi có dông.
4. Tránh sét ngoài trời. Trong trường hợp không kịp chạy tìm nơi ẩn náu an toàn, tuyệt đối không dùng cây cối làm chỗ trú mưa, tránh các khu vực cao hơn xung quanh, tránh xa các vật dụng kim loại như xe đạp, máy, hàng rào sắt...
Tìm chỗ khô ráo, nếu xung quanh có cây cao hơn thì nên tìm vị trí cây thấp. Người ở vị trí càng thấp càng tốt, tay ôm cổ sao cho phần tiếp xúc của người với mặt đất là ít nhất. Người đứng ở tư thế nhón chân, không được nằm xuống đất.
Đứng xa các vật cao, ra ngay khỏi những nơi chứa nước như bãi biển, ao, hồ, mương. Các vùng đỉnh núi hay sườn núi nhô cao cũng rất nguy hiểm. Nếu ở trong rừng thì tìm những nơi cây thấp hơn và thưa để tránh.
Không đứng thành nhóm người gần nhau. Nếu như bạn cảm thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác điện khi sờ tay trước mặt tivi) thì điều đó có nghĩa là có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Khi đó, lập tức cúi ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hay đặt tay lên đất. Đối với các vật có bề mặt kim loại như xe buýt, tàu hoả, ôtô... không được nhoài người ra ngoài và không chạm đến vỏ bọc. Sau khi nghe thấy tiếng sét 30 phút thì có thể trở lại làm việc bình thường.
5. Cấp cứu người bị sét đánh. Ngoài làm cháy, bỏng, sét còn gây tác hại hệ thần kinh, gãy xương, mất thính giác, thị giác, hay trí nhớ. Người bị sét đánh cần được cứu trợ ngay tức khắc. Nếu người bị sét đánh bị ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo. Đặc biệt cẩn thận không di dời những nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống, tìm cách nhanh nhất để nhân viên y tế đến.
Theo Lâm Khánh Vy/CAND Online