Các nhà khoa học tại Đại học Y Michigan (Mỹ) vừa công bố biện pháp xét nghiệm nước tiểu mới có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt, từ đó lựa chọn các giải pháp điều trị tốt hơn.
Tiến sỹ Scott Tomlins, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết hiện xét nghiệm PSA (xét nghiệm máu để chẩn đoán ung thư) có thể giúp phát hiện ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, loại xét nghiệm này không có độ tin cậy cao.
Người có PSA thấp vẫn có thể bị ung thư và người có PSA cao lại không bị ung thư. Xét nghiệm nước tiểu mới nhằm tìm kiếm 2 chỉ số về gien đi liền với ung thư là TMPRSS2:ERG và PCA3 sẽ cho kết quả tin cậy hơn vì TMPRSS2:ERG chỉ được tìm thấy trong các trường hợp bị ung thư.
Để thực hiện nghiên cứu này, tiến sỹ Tomlins và các cộng sự đã nghiên cứu mẫu nước tiểu của 1.312 nam giới có mức PSA cao và đã có xét nghiệm sinh tiết tuyến tiền liệt hoặc phẫu thuật để loại bỏ tuyến tiền liệt.
Các nhà khoa học đã xét nghiệm nước tiểu để tìm kiếm hai chỉ số TMPRSS2:ERG và PCA3, sau đó sử dụng các chỉ số này để chia số nam giới trên vào 3 nhóm có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thấp, trung bình và cao. Tiếp đó, các nhà khoa học so sánh kết quả phân loại với kết quả xét nghiệm sinh tiết. Dựa trên kết quả xét nghiệm sinh tiết, ung thư tuyến tiền liệt được tìm thấy ở 21% số nam giới thuộc nhóm có nguy cơ thấp, 43% ở nhóm có nguy cơ trung bình và 69% ở nhóm có nguy cơ cao.
Các chuyên gia cũng cho biết kết quả của các xét nghiệm nước tiểu này có mối tương quan đối với kích cỡ của khối u và mức độ nguy cấp ung thư. Trong nhóm có nguy cơ thấp, chỉ 7% là bị ung thư cấp tính, trong khi tỷ lệ này của nhóm có nguy cơ cao là 40%.
Tuy nhiên, tiến sỹ Tomlins cũng cảnh báo rằng không nên chỉ dựa vào xét nghiệm này để bỏ qua việc xét nghiệm sinh tiết vì vẫn có trường hợp bị ung thư nhưng không có hai chỉ số gen TMPRSS2:ERG và PCA3. Bên cạnh đó, nghiên cứu mới được tiến hành chủ yếu đối với các bệnh nhân người da trắng, nên cần được tiếp tục nghiên cứu trên diện rộng hơn./.
Theo TTXVN/Vietnam+