Cập nhật: 06/03/2012 09:55:01 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nhà khoa học châu Phi và quốc tế đã tôn vinh cây Moringa oleifera là “cây kỳ diệu”, cây “siêu dinh dưỡng” để xoá đói nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng của châu Phi.

 

Các phân tích khoa học đã xác định cây Moringa oleifera có khả năng chống hạn cao, phát triển nhanh và chứa lượng dinh dưỡng cực cao  có thể giúp các nước nghèo đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng, xoá đói nghèo.

 

Lượng dinh dưỡng chứa trong một đơn vị lá của cây rất cao: có lượng can xi tương đương với 4 cốc sữa, lượng vitamin C tương đương với 7 quả cam, lượng kali tương đương với 3 quả chuối, lượng sắt gấp 3 lần rau spinach, lượng vitamin A gấp 4 lần cà rốt và lượng protein gấp 2 lần sữa.

 

Cây Moringa oleifera đã được trồng thử nghiệm trên diện tích 15 ha ở Limpopo, tỉnh nghèo nhất Nam Phi trong 3 năm qua và bắt đầu tác động tích cực đến mô hình lương thực ở các làng nghèo và có điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nước này. Lá cây được đưa vào bữa ăn của 400 trẻ em nghèo ở Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em suy dinh dưỡng và nhiễm HIV. Kết quả thật ấn tượng với sức khoẻ của các trẻ em này được cải thiện rõ ràng chỉ trong thời gian ngắn, tăng được khả năng chống bệnh cũng như phát triển tốt về trí tuệ.

 

Tiến sĩ Samson Tesfay của Trường Đại học Nam Phi khẳng định cây Moringa oleifera với nhiều chức năng kỳ diệu có thể điều trị hiệu quả 300 loại bệnh khác nhau. Mỗi bộ phận của cây có thể sử dụng cho nhiều lợi ích  khác nhau như chữa bệnh, sản xuất dược phẩm, dinh dưỡng và  nhiều mục đích thực tiễn khác. Cây Moringa oleifera non chứa nhiều loại axít amin có tầm quan trọng sống còn với cơ thể con người. Lá cây ngoài chức năng làm lương thực còn có thể sử dụng điều trị bệnh nhiễm trùng da, huyết áp thấp, an thần và tiểu đường. Hạt của cây có khả năng ngăn chặn 98 tạp chất và vi khuẩn đã được sử dụng để làm sạch nước từ nhiều thập kỷ qua .

 

Cây Moringa oleifera có nguồn gốc từ miền Bắc Ấn Độ và có khả năng phát triển trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là hạn hán, mà không cần những biện pháp canh tác tốn kém, rất thích hợp với hầu hết các khu vực của châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á.

 

 

 

Theo Đức Linh/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm