Đông đảo các tầng lớp nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Từ nay, đồng bào 54 dân tộc anh em sinh sống trên dải đất hình chữ S có chung một ngày để tôn vinh, phát huy truyền thống văn hoá dân tộc và củng cố, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Nhiều nghệ nhân đã bày tỏ niềm vui và phấn khởi trước việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là "Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam".
Nghệ nhân Triệu Tiến Vinh (dân tộc Dao đỏ- xã Ngọc Khoái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) cho biết ở quê ông vào ngày này, sẽ tổ chức nhiều lễ hội để mọi người được chung vui, giao lưu.
"Là một nghệ nhân, tôi rất phấn khởi khi Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam. Chúng tôi sẽ cố gắng làm nhiều việc để giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp và truyền lại cho con cháu mai sau "- Nghệ nhân Phùng Văn Phong- dân tộc Dao ở thôn Thành Công (Lãng Công- Lập Thạch - Vĩnh Phúc) nói.
Anh Nguyễn Việt Cường- dân tộc Tày ở phường Minh Xuân, thị xã Tuyên Quang- tỉnh Tuyên Quang cho biết: "Từ trước đến nay, đồng bào dân tộc ai cũng mong muốn có một ngày đặc biệt như ngày 19/4. Đó là ngày hội để đồng bào các dân tộc được giao lưu, thể hiện những nét văn hoá đặc sắc của dân tộc mình".
Việc Chính phủ lấy ngày 19/4 là Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam có ý nghĩa như một ngày đại đoàn kết, thắt chặt tình gắn bó keo sơn của đồng bào các dân tộc. Ông Hứa Hạnh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn tâm đắc với ý nghĩa mà ngày hội văn hoá đem lại: "Chính phủ quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là Ngày văn hoá các dân tộc sẽ là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc phát huy được bản sắc của các dân tộc tốt hơn".
Quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam trong thời kỳ hội nhập
Theo ông Trần Hữu Sơn- Giám đốc Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ khuyến khích những người làm công tác văn hoá nỗ lực nhiều hơn nữa góp phần gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc Việt Nam. Quyết định này tạo điều kiện để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc. Đồng thời là cơ sở rất quan trọng trong việc giáo dục truyền thống, niềm tự hào cho việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời cũng thúc đẩy đời sống văn hoá đồng bào phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển văn hoá dân tộc và là thế mạnh để du lịch cất cánh và nhất là củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam sẽ tạo cơ hội thuận lợi hơn trong việc bảo tồn và giới thiệu các giá trị văn hoá của các dân tộc với đồng bào cả nước và bạn bè thế giới.
"Khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hoá các dân tộc VN, đồng bào Khmer Nam Bộ rất phấn khởi. Chúng tôi cho rằng đây là một dịp tốt để giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế. Đồng thời khuyến khích đồng bào các dân tộc tiếp tục giới thiệu về bản sắc văn hoá của dân tộc mình, khơi dậy lòng tự hào của dân tộc Việt Nam"- ông Sơn Lương- Phó Giám đốc Sở VHTTDL Sóc Trăng nêu ý kiến.
Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam - ngày hội để 54 dân tộc anh em trên đất nước ta chung sức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá dân tộc; giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, góp phần củng cố, thắt chặt, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế./.
Nguồn: Chinhphu.vn