Cập nhật: 01/05/2009 18:35:57 Article Rating
Xem cỡ chữ

So với các thể loại phim khác phim về đề tài chiến tranh là khó "xơi" nhất. Bối cảnh phim thường có quy mô lớn, chi phí tốn kém, luôn đòi hỏi phải có sự đồng bộ, sự bất trắc lại luôn rình rập.

Đến hiện trường của những đoàn phim chiến tranh sẽ thấy tính chất quy mô, tài lực bỏ ra khi bài binh bố trận những cảnh quay có khi rất bình thường. Hiện trường phim Mặt trận không tiếng súng (ĐD Bùi Đình Thứ) là cánh đồng bao la hơn 20ha ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Hơn 200 chiến sĩ được huy động từ một doanh trại quân đội gần đó có mặt từ lúc 5 giờ sáng. 

 

Cảnh quay là một đợt tiến công của quân đội giải phóng, dẫn đầu gồm bốn chiếc xe tăng, ào ạt lao về phía trước. Cả đoàn phim khoảng 100 người túc trực tại hiện trường, người đốt khói, người đặt chất nổ, người sắp xếp báo hiệu cho bộ đội tấn công, người ra dấu hiệu cho các chiến sĩ lái xe tăng chạy đúng theo đội hình..., dưới sự điều động của đạo diễn.

 

Lăn lộn suốt một ngày trời dưới cái nắng gay gắt mùa hè, tất cả thành viên đoàn phim đều mệt nhoài. Tổ phục vụ hiện trường lo cơm nước cho diễn viên, thành phần đoàn phim cũng đuối sức vì chăm sóc một lượng người quá đông.

 

Khi đoàn phim Người Mỹ trầm lặng tái hiện cảnh bom nổ ngay trung tâm thành phố, họ đã dựng bối cảnh trước Nhà hát thành phố, trung tâm TP.HCM. Hàng loạt điều kiện và yêu cầu về an toàn đã được đưa ra, cân nhắc kỹ càng. Hàng trăm quần chúng được tập trung trong suốt một tuần. Thành phần đoàn phim hùng hậu từ phía Mỹ và chuyên viên giỏi nhất của Việt Nam đã được quy tụ chỉ để thực hiện cảnh quay hai quả nổ. Hai quả nổ hiệu quả ấy nằm trong một phân đoạn nhỏ chưa đầy 4 phút nhưng tốn gần 2 triệu USD.

ĐD Bùi Đình Thứ tâm sự: "Khi chuyển sang làm phim chiến tranh, tôi gần như kiệt sức. Phải huy động được một lực lượng quy mô lớn, góc quay, bối cảnh, diễn xuất, thời gian..., tất cả phải đồng bộ, không có chuyện chuệch choạc.

 

Khàn tiếng, mắt mờ, da khô trong những ngày này là chuyện nhỏ. Nhưng tất cả những mệt nhọc khó khăn ấy của những người làm phim sẽ đền bù nếu phim của mình tái hiện được phần nào lịch sử".

 

Trong khi đó, đoàn phim Dòng sông vẫn trôi (ĐD Xuân Cường) ghi hình ở một khu rừng của tỉnh Tây Ninh với điều kiện thiếu điện, nước, sách báo...

 

Các diễn viên Chi Bảo, Việt Trinh, Lê Quang, Nguyệt Nhi, Nguyễn Châu... sống trong tình cảnh này cả tháng ròng. Những cảnh quay bom đạn suôn sẻ đúng khung hình, đúng vị trí thì không nói, còn khi trục trặc ở tổ khói lửa, quả nổ sớm hơn giờ quy định, anh em đoàn phim nhiều phen gần như đứng tim vì sợ.

 

Đạo diễn Xuân Cường cho biết: "Tôi từng điều động hàng nghìn người trong những cảnh quay của bộ phim Ván bài lật ngửa. Dù phải thức khuya dậy sớm, điều binh khiển tướng rất mệt mỏi, nhưng tâm lý vẫn không hồi hộp bằng những cảnh quay chiến trường, vì chuyện bom đạn khó lường trước được.

 

Tuy chỉ là những quả nổ mang tính ước lệ, nhưng vẫn phải giống như thật để lên phim khán giả hình dung ra những trận chiến oai hùng và sự tàn khốc của chiến tranh".

 

ĐD Hồ Ngọc Xum cũng có không ít kỷ niệm vui buồn với những bộ phim chiến tranh. Trong phim Trái tim son trẻ, anh gặp phải "sự cố" với các diễn viên trẻ như Đoan Trang, Phúc An, Minh Thành.

 

Vì tuổi đời còn quá trẻ, các diễn viên đã không thể diễn tả được sâu sắc tâm trạng của những người lính ngày xưa.

 

 

 ĐD Hồ Ngọc Xum nghĩ ra cách, điều động tất cả diễn viên ra trường quay nằm trong  rừng Mã Đà (Đồng Nai) cách TP.HCM gần 100 cây số. Những ngày không có cảnh quay, đạo diễn vẫn bắt các diễn viên trẻ thay trang phục, súng ống trang bị đàng hoàng, cứ đi, chạy, nói cười trong trang phục nhân vật để họ nhập tâm.

 

Hiệu quả thấy rõ. Bộ phim khắc họa rõ nét hơn hình ảnh người lính trong chiến tranh. Còn các diễn viên đã thể hiện tốt nhân vật của mình nhờ một thời ngắn nhập vai từ... chiến trường.

 

 

Theo VnExpress

Tệp đính kèm