Cập nhật: 26/06/2009 21:02:27 Article Rating
Xem cỡ chữ

Không môi trường nào có những ảnh hưởng đến hành vi của con người bằng gia đình. Gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên, thiêng liêng đối với mọi người. Tính chất thiêng liêng trong quan hệ ruột thịt là nhân tố có sức cảm hóa và thôi thúc các thành viên tự "hấp thụ” những giá trị gia đình một cách hiển nhiên.

Với những đặc điểm như vậy, gia đình rất cần có những quy tắc, chuẩn mực để hình thành bệ phóng cho những nhân cách tốt đẹp. Giá trị gia đình có thể hình thành từ các sinh hoạt thông thường qua thói quen ứng xử, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và trong các mối quan hệ xã hội khác... Chính những giá trị này có tác dụng sâu sắc đến nhận thức, hành vi của mỗi thành viên.

 

Cha mẹ là những người đầu tiên có ảnh hưởng đến quá trình hình thành niềm tin và hành vi đạo đức của con trẻ. Tấm gương của cha mẹ trong việc lựa chọn các mục tiêu sống, tổ chức cuộc sống hay trong quá trình nuôi dạy con trở thành những mẫu mực và hình thành nên văn hóa gia đình. Trẻ em thường có khuynh hướng bắt chước các mẫu ứng xử của người lớn. Dưới mắt con trẻ, cha mẹ vừa là người bảo bọc, vừa là những vị thần nhân ái, cũng có thể là những nhà bác học thiên tài hay là những nhà tiên tri độc đáo... Chính vì cảm nhận ấy, hầu hết trẻ em trong gia đình đều xem cha mẹ là những người khó sai lầm nhất hay bao giờ cũng rất tốt đẹp. Tính gương mẫu của cha mẹ được thể hiện ở lối sống, nếp sống và những thói quen hàng ngày.

 

Con cái luôn là niềm hy vọng của cha mẹ nhưng không phải bao giờ cũng là niềm vui liên tục. Đôi lúc, con cái có thể tạo ra áp lực và gây ra khá nhiều lo lắng cho cha mẹ. Các bậc cha mẹ không thể chỉ hành xử như một thiên thần dịu dàng mà nhiều lúc phải biết tạo ra tình huống "quản lý” để dạy con. Trong trường hợp này, uy quyền và nguyên tắc quan hệ cần được bảo đảm. Cha mẹ không thể hiện được uy quyền của mình thì khó định hướng được nhận thức, tình cảm và hành vi của con. Khi cha mẹ không thực thi được quyền uy thì các giá trị nhân văn trong gia đình khó có thể "kết" lại ở con trẻ theo một khuynh hướng tích cực.

 

Văn hóa gia đình cũng có thể được biểu hiện ở hình thức quan hệ thứ bậc, giữa anh chị em với nhau, giữa cha mẹ và ông bà, giữa các thành viên gia đình với người giúp việc... Tính chất của các mối quan hệ này sẽ trở thành nét văn hóa trong quá trình bày tỏ thái độ cũng như bộc lộ quan điểm và có hành động thích hợp. Nhiều trẻ em đã to tiếng với vú em khi từng nhiều lần chứng kiến mẹ đã mắng người giúp việc.

 

Các quy tắc ứng xử cũng cần được thống nhất. Ai sẽ là người đề xướng ý kiến, ai sẽ thực thi, và việc thống nhất ý kiến sẽ được tiến hành như thế nào... Tính gia trưởng, sự bất bình đẳng giữa vợ-chồng, cha mẹ-con cái trong gia đình sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự trưởng thành ở trẻ em. Tuy nhiên xu hướng quá đề cao dân chủ, đề cao giải phóng cá nhân, tự do cá nhân lại chứa đựng những nguy cơ khiến gia đình dễ khủng hoảng, con cái dễ trở thành người ngoài cuộc hoặc hình thành có thói quen hay phán xét gia đình.

 

Khi trẻ chưa đến tuổi trưởng thành, sống phụ thuộc vào cha mẹ là điều bình thường và không vì vậy mà cha mẹ lại áp đặt, tước bỏ những quyền lợi chính đáng của trẻ. Sự phụ thuộc và tự do là hai mặt của quan hệ cha mẹ và con cái, nó trở thành một điều kiện để trẻ em phát triển và trưởng thành. Nhiều bạn trẻ đã đánh mất sự hồn nhiên vốn có của tuổi thơ hoặc trở nên rụt rè, mất tự tin khi trong gia đình các em thường "được" cha mẹ lo lắng, nói thay điều em muốn nói, thậm chí "học" thay điều em cần học.

 

Văn hóa gia đình có thể được bộc lộ qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng đều có những tác dụng nhất định và mức độ tác dụng tùy thuộc vào các giá trị đã được hình thành. Các nét văn hóa phù hợp với sự phát triển xã hội sẽ trở thành nhân tố tích cực trong quá trình tác động hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách trẻ em.

 

 

Theo Báo PN TP HCM

 

Tệp đính kèm