Festival cồng chiêng quốc tế Gia Lai lần thứ nhất -2009 sẽ được tổ chức tại TP. Pleiku từ ngày 8 đến 11-11 tới với nhiều nội dung phong phú và sự tham dự của khoảng gần 30 đoàn cồng chiêng của các dân tộc trong nước và 3-5 đoàn thuộc các nước trong khu vực. Đó là nội dung cuộc họp báo về Festival cồng chiêng quy mô quốc tế đầu tiên này vừa được UBND tỉnh Gia Lai tổ chức tại Hà Nội.
Ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết, điều đáng chú ý của Festival này sẽ là việc phục dựng một số lễ hội đặc sắc của các đồng bào các dân tộc Tây Nguyên như Lễ Pơthi (bỏ mả), Lễ hội đón năm mới (có tổ chức đâm trâu). Đặc biệt, lần đầu tiên sẽ phục dựng truyền thuyết gươm thần và lễ cầu mưa với sự thể hiện của các nghệ nhân và đồng bào dân tộc Jrai ở huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai.
Các đoàn tham dự Festival sẽ có những không gian đặc sắc để trình diễn cồng chiêng của dân tộc mình tại các Công viên Văn hóa Đồng Xanh, Công viên Diên Hồng và Khu du lịch Về nguồn – TP Pleiku. Cùng theo đó là việc tôn vinh các nghệ nhân chỉnh chiêng, những người tạo nên “hồn vía” cho những cồng chiêng – báu vật của dân tộc và là di sản của nhân loại qua cuộc thi chỉnh chiêng.
Để giới thiệu đầy đủ và đa dạng văn hóa của đồng bào Tây Nguyên, nhân dịp này, các nghệ nhân Jrai, Ba Na sẽ trổ tài thi tạc tượng, các bảo tàng cũng sẽ giới thiệu không gian văn hóa các dân tộc Tây Nguyên qua hệ thống hiện vật.
Ngoài ra, các hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, về việc gắn cồng chiêng với phát triển du lịch và cả về xúc tiến đầu tư… cũng sẽ được tổ chức trong khuôn khổ Festival.
Ông Hà Sơn Nhin, Bí thư tỉnh uỷ Gia Lai cho biết, theo như chương trình dự kiến, các đoàn cồng chiêng sẽ chỉ trình diễn những sinh hoạt văn hóa nguyên gốc của dân tộc mình, phản ánh cơ bản chính xác giá trị của cồng chiêng trong đời sống từng dân tộc, không trình diễn những sinh hoạt văn hoá lai ghép hay cải biên.
Ông cũng khẳng định, Festival là sự kiện quan trọng, dịp để đồng bào Tây Nguyên quảng bá giá trị âm nhạc và không gian trình diễn của cồng chiêng- di sản đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Ban tổ chức cũng mong muốn Festivall sẽ trở thành sự kiện văn hóa thường kỳ của tỉnh Gia Lai, tổ chức vài ba năm một lần.
Theo kịch bản, lễ khai mạc và bế mạc được dàn dựng công phu với một chuỗi các sự kiện liên hoàn với sự tham gia của khoảng 3000 người, tổ chức bắn pháo hoa và truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.
Theo ND