Hiện nay chúng ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu thưởng thức điện ảnh của các tầng lớp khán giả khác nhau; và cũng vì thế, chưa đáp ứng những nhu cầu đa dạng của công chúng. Thông thường, mỗi bộ phim hướng đến một loại khán giả, có sở thích, thị hiếu, và trình độ nhất định.
Việc "phân khúc" thị trường sẽ giúp các nhà sản xuất định hướng và đáp ứng nhu cầu từng đối tượng khán giả trong mỗi bộ phim. Còn đối với một nền điện ảnh thì việc đa dạng hóa các dòng phim và khuynh hướng sáng tác là một yêu cầu quan trọng.
Thị trường điện ảnh, nhìn một cách tổng thể gồm nhiều phân khúc, phục vụ nhiều đối tượng khác nhau về tuổi tác, giới tính, trình độ và thị hiếu... Muốn xây dựng thị trường đầy đủ thì bắt buộc phải có những bộ phim theo khuynh hướng, phong cách độc đáo, hướng đến những đối tượng rất cụ thể. Chúng ta hiện có khá nhiều hãng phim tư nhân mới ra đời song hành với các hãng phim nhà nước hoạt động đã lâu năm, nhưng dường như chưa có hãng nào có cách tiếp cận thị trường bài bản, chuyên sâu vào một loại phim, một khuynh hướng nào đó. Nếu mỗi hãng phim của chúng ta chiếm giữ một phân khúc thị trường khác nhau, đi vào những đối tượng cụ thể, hình thành những dòng phim mang phong cách riêng thì sẽ hạn chế được sự giẫm chân lên nhau, tạo ra sự đa dạng trong sản xuất phim, nền điện ảnh sẽ mang tính chuyên nghiệp và phong phú hơn, thị trường điện ảnh sẽ được hình thành và mở rộng dần, các yếu tố tiềm năng sẽ được khám phá. Hiện nay, phim nội tranh giành nhau khán giả trên một phân khúc hẹp là những khán giả trẻ mà bỏ qua nhiều đối tượng khác như trẻ em, như những người già, người có trình độ cao và nhiều tầng lớp khán giả khác... Vì thế, dường như với số đông nhân dân, việc xem phim từ lâu đã không còn là nhu cầu của họ nữa. Có người, cả chục năm không đến rạp một lần. Nếu như chủ động mở rộng thị trường, hấp dẫn được nhiều tầng lớp hơn đến rạp, thị trường nội địa cũng sẽ rất rộng lớn. Ðiều này có cơ hội cho cả các nhà điện ảnh và nhân dân.
Tất nhiên, trong khi xây dựng một thị trường đầy đủ, toàn diện cho điện ảnh, Nhà nước sẽ có chủ trương hỗ trợ những đơn vị đi vào "phân khúc" hẹp, ít người xem. Việc đặt hàng, hay hỗ trợ các đơn vị sản xuất, phát hành các bộ phim nghệ thuật, có tính chất giáo dục là điều bình thường, cần thiết để bảo đảm sự cân đối giữa các đề tài, khuynh hướng và nâng cao sự hữu ích của nền điện ảnh. Nếu không làm tốt được điều này, chúng ta sẽ chỉ có những phim thị trường chạy đua theo thị hiếu của một nhóm đối tượng khán giả trẻ mà thôi.
Hiện nay sản xuất phim trên thế giới, nhất là Mỹ đã áp dụng ngày càng nhiều tiến bộ của kỹ thuật để thể hiện những nội dung phức tạp, những khám phá và cảm nhận tinh tế của con người cũng như vẻ đẹp và sự huyền bí của thiên nhiên. Những tiến bộ của công nghệ sản xuất phim đã cho ra đời những tác phẩm có sức lay động lớn, hiệu quả. Với một nền sản xuất điện ảnh nhỏ như nước ta, việc tránh hẳn những phim công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay là cần thiết bởi vì chúng ta không thể cạnh tranh với phim nước ngoài. Các nhà làm phim nên đi sâu vào những đề tài độc đáo mang bản sắc văn hóa và đặc thù của đất nước, có thể biểu lộ tâm lý, tình cảm và bối cảnh thiên nhiên. Như thế chúng ta sẽ đề cao tính dân tộc trong hội nhập và tạo ra dấu hiệu riêng trên con đường hình thành thương hiệu phim Việt. Ðó cũng là con đường mà những năm trước đây Hàn Quốc đã làm và gặt hái được nhiều thành công. Ðể giải quyết bài toán về vốn, nên tìm cách gắn kết giữa nghệ thuật điện ảnh với nền kinh tế. Chẳng hạn như, các dự án phim có thể góp phần quảng bá hình ảnh và đất nước con người Việt Nam, và tìm nguồn hỗ trợ tài chính ở ngành du lịch. Cũng có thể tìm cách cổ phần hóa các dự án phim, kêu gọi liên kết sản xuất giữa các tập đoàn kinh tế mạnh bắt đầu bước sang lĩnh vực truyền thông và nghệ thuật như FPT chẳng hạn. Việc cắt khúc giữa các khâu sản xuất, truyền thông và phát hành trong các đơn vị nhà nước cần phải được chấm dứt. Vì thế, nên cơ cấu lại các đơn vị này theo hình thức một tổng công ty có sự điều hành liên thông, cùng chia sẻ lợi nhuận và rủi ro sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Chính các công ty tư nhân đã đi theo mô hình này và đạt được những kết quả khả quan, trong khi các cơ quan nhà nước, dù được đầu tư lớn, nhưng thiếu sự chỉ đạo thống nhất và liên thông, đã gây ra tình trạng thiếu hiệu quả trong một thời gian dài.
Theo ND