Cập nhật: 14/08/2010 09:58:56 Article Rating
Xem cỡ chữ

Từ ngày 15.8, Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” chính thức có hiệu lực.

Đối tượng là DSVHPVT đang tồn tại bao gồm: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc VN; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian.

Thông tư áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân VN; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài và người VN định cư ở nước ngoài tham gia kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia tại VN.

 

Đây có thể xem là hàng lang pháp lý quan trọng để các tổ chức, cơ quan chức năng và cá nhân tham gia kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) và lập hồ sơ khoa học để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 

Ca Trù - một loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Bắc Bộ

 

Công tác kiểm kê DSVHPVT cần xác định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của DSVHPVT đối với đời sống cộng đồng hiện nay. Từ đó, có thể đề xuất biện pháp bảo vệ DSVHPVT trong môi trường tương thích...

 

Liên quan đến việc lập và thẩm định hồ sơ khoa học DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia, Thông tư quy định rõ những tiêu chí lựa chọn DSVHPVT để lập hồ sơ khoa học. Theo đó, DSVHPVT được lập hồ sơ khoa học phải có đủ 4 tiêu chí. Đó là DSVHPVT có tính đại diện, thể hiện bản sắc của cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ. Ngoài ra, DSVHPVT được xây dựng hồ sơ phải có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

 

Về trình tự, thủ tục và gửi hồ sơ khoa học DSVHPVT để đề nghị đưa vào Danh sách DSVHPVT quốc gia, Thông tư nêu rõ, Giám đốc Sở VHTTDL tổ chức lập hồ sơ khoa học trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh để đề nghị Bộ trưởng Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục DSVHPVT quốc gia.

Hồ sơ khoa học DSVHPVT bao gồm: lý lịch DSVHPVT; ảnh; bản ghi hình; bản ghi âm; bản đồ phân bố vị trí DSVHPVT; tư liệu khảo sát điền dã liên quan; bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT của cá nhân hoặc đại diện nhóm, cộng đồng chủ thể văn hóa; văn bản của Sở VHTTDL trao quyền sử dụng các tài liệu kèm theo hồ sơ khoa học DSVHPVT cho Bộ VHTTDL; danh mục hồ sơ.

 

Cùng với các mẫu phiếu kiểm kê, lý lịch DSVHPVT... có thể nói trình tự, thủ tục lập và gửi hồ sơ khoa học DSVHPVT để đề nghị đưa vào Danh sách DSVHPVT quốc gia đã kế thừa và rất sát với yêu cầu, quy trình của UNESCO với DSVHPVT mà các quốc gia đệ trình xét vinh danh DSVHPVT thế giới.

 

 

 

Theo GD&TĐ Online

Tệp đính kèm