Đạo diễn Quốc Trọng, đạo diễn bộ phim Bí thư tỉnh ủy, thổ lộ: “Tôi luôn nghĩ bộ phim như một nén hương thắp lên mộ ông Kim Ngọc để ghi nhớ công lao của ông”
- Phóng viên: “Vừa khô vừa khó vừa khổ” là đặc điểm chung của dòng phim chính luận, đặc biệt là với đề tài nông thôn Việt Nam trước đổi mới. Điều gì đã thôi thúc Quốc Trọng nhận cái “sự khổ” này?
- Đạo diễn Quốc Trọng: Phim này, khi đọc xong kịch bản, tôi đã thấy rất ngại. Ngại vì nhìn thấy trước được sự vất vả mà mình phải trải qua. Nhưng khi trao đổi với người biên tập, tiếp cận được với nhiều tài liệu quý và các nhân chứng, tôi bị nhân cách của ông Kim Ngọc thuyết phục, thấy mình cần cố gắng để làm được cái gì đó.
Tôi muốn chuyển tải đến khán giả của mình một nhân cách mà tôi ngưỡng mộ, người đã vượt qua một thời kỳ khó khăn về đường lối, quan niệm, cách nghĩ, o ép về cơ chế, chỉ bởi suy nghĩ làm thế nào cho nông dân bớt khổ, bớt đói nghèo. Ông sẵn sàng chịu vất vả, thậm chí là hy sinh cả sinh mạng chính trị của mình để làm điều ông cho là đúng, cho là vì dân.
- Làm phim về một thời kỳ đã cách nay gần nửa thế kỷ, chắc chắn ông rất đau đầu?
- Từ vất vả không lột tả hết được những gì chúng tôi đã trải qua. Tất cả, từ bối cảnh, phục trang..., chúng tôi đều “tay không bắt giặc”. Khi tôi làm phim Ngõ lỗ thủng về thời kỳ bao cấp, khó khăn đã đầy nhưng đến Bí thư tỉnh ủy, một bộ phim về nông thôn miền Bắc thời kỳ chiến tranh, thì không tưởng tượng được. Nông thôn bây giờ đã khác xa những năm 60 của thế kỷ XX. Đi tìm cái nhà đất mái lá, đường làng xưa, chúng tôi phải lặn lội về tận vùng sâu, vùng xa.
Nói thẳng là làm phim này, chúng tôi có nhận được sự “chú tâm” hơn các phim khác của lãnh đạo Đài Truyền hình VN nhưng kinh phí rất nhỏ thôi, khoảng 160 triệu đồng/tập, trừ đi các khoản, đến tay đoàn chỉ còn khoảng 60 triệu đồng/tập.
Tiền ít mà chúng tôi phải xây những bối cảnh lớn như cả một trận địa pháo, rồi nhà ga bị cháy, chợ làng, cửa hàng thực phẩm… Chỉ riêng bối cảnh lớp học nơi sơ tán, chúng tôi phải chuẩn bị nửa tháng, hết hơn 12 triệu đồng mà chỉ quay có nửa ngày, quá tiếc. Bí thư tỉnh ủy, bộ phim đặc biệt dài 50 tập về ông Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc, người được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ”, “khoán mười”, “cha đẻ của đổi mới nông nghiệp” ở Việt Nam, sẽ ra mắt khán giả trên sóng VTV1 từ ngày 7-9.
-Tiền ít liệu có làm được phim hay?
- Tôi nghĩ mình cứ làm hết sức. Làm phim này, chúng tôi được tiếp thêm sức bởi cả tỉnh Vĩnh Phúc, ai cũng muốn làm phim về ân nhân của họ. Gia đình ông Kim Ngọc, từ cụ bà, các anh chị... đều cảm động và giúp đỡ chúng tôi tìm kiếm tư liệu, chi tiết, chân dung từng con người cụ thể để chúng tôi thấy lại, hình dung lại được một khoảng thời gian lịch sử.
Chúng tôi cũng được phép xới tung kho tư liệu ngủ yên gần 50 năm, gặp những cụ ông, cụ bà từng là nhân chứng “khoán hộ”, “khoán chui” với ông Kim Ngọc ngày xưa, nghe họ kể chuyện chi tiết về ông. Qua đó, chúng tôi hiểu hơn những tâm tư, suy tính, những đau khổ, day dứt của một con người đặc biệt. Khán giả có thể cảm nhận điều này qua những tập phim sẽ phát sóng sắp tới.
- Đánh giá của riêng anh, diễn viên Dũng Nhi có hoàn thành xuất sắc việc nhập vai ông Kim Ngọc?
- Khi đọc tài liệu, xem lại những ảnh cũ, tôi đã hình dung chỉ Dũng Nhi là hợp vai. Dũng Nhi có ngoại hình giống ông Kim Ngọc nhất, anh ấy lại có cách diễn điềm đạm, ổn định và có khả năng theo đoàn đến cả năm trời mà không vướng mắc gì. Từng làm với nhau nhiều phim, tôi hiểu được nội lực của anh ấy. Khi ra mắt, đoàn làm phim lên chào bà Kim Ngọc, bà cũng khen Dũng Nhi giống ông Kim Ngọc lắm. Vai bí thư tỉnh ủy là một vai khó và cho đến giờ phút này, tôi có thể nói Dũng Nhi đã hoàn thành rất tốt phần việc của mình, ít nhiều khắc họa được tính cách của ông Kim Ngọc. Phải nhấn mạnh rằng Kim Ngọc là con trai một người thợ cày và ông cày giỏi có tiếng trong vùng. Tuy chỉ học đến lớp 6 nhưng ông tự học đến hết đời. Ở ông, có những tính cách của một nông dân chất phác, hiền lành nhưng cũng có sự quyết liệt của một người luôn luôn tư duy, muốn thay đổi, không sợ hãi bất cứ thế lực nào và luôn nghĩ cho dân, vì dân.
Chúng tôi làm phim về con người chứ không làm phim lịch sử. Có nhiều cái đoàn làm phim sáng tạo nhưng nhìn chung cái “thần” vẫn giữ được.
Phim này, khán giả có thể sẽ ngạc nhiên về Minh Châu. Châu vào vai bà chị kết nghĩa của ông bí thư, nghiện thuốc lào. Chị ấy rít thuốc lào cũng khiếp đấy.
- Anh có tin, giữa một rừng những chuyện tình hiện đại, Bí thư tỉnh ủy của anh sẽ cuốn hút được khán giả?
- Hỏi câu đó thì tôi không trả lời được vì mỗi thể loại phim có những khán giả riêng. Có thể những câu chuyện đơn giản như con trâu, cái cày, chuyện chia ruộng khoán mà phải họp hành, tranh cãi, thậm chí kỷ luật nhau căng thẳng, từ xã lên huyện, đến tỉnh sẽ khiến nhiều khán giả trẻ hôm nay buồn cười và tức tối vì nó phi lý đến mức không tưởng.
Nhưng tôi tin với sự cố gắng hết sức của chúng tôi, của gần 260 diễn viên trong suốt hơn một năm rưỡi làm việc cật lực, những khán giả yêu quý ông Kim Ngọc sẽ không thất vọng. Tôi luôn nghĩ bộ phim như một nén hương thắp lên mộ ông Kim Ngọc, giúp mọi người nhớ lại công lao của người đi trước, người đã giúp bà con nông dân vượt qua thời kỳ khó khăn, tạo tiền đề để Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới như bây giờ.
Theo Nguoilaodong Online